Tạo động lực cho doanh nghiệp mau 'lớn'

Trong 5 tháng đầu năm 2019, số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới và tỷ lệ DN quay trở lại hoạt động đều ở mức cao. Tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, khiến một bộ phận DN 'ngại lớn'. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Đậu Anh Tuấn (ảnh), Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các DN cần nhiều động lực hơn để tăng trưởng về quy mô.

Xin ông cho một vài đánh giá về tình hình hoạt động của DN tại thời điểm hiện nay?

Xin ông cho một vài đánh giá về tình hình hoạt động của DN tại thời điểm hiện nay?

Điều tra của VCCI về tình hình hoạt động DN trong năm 2018 vừa qua cho thấy, tỷ lệ DN lạc quan cao. Nhiều phòng thương mại nước ngoài cũng đánh giá DN trong nước cũng như nước ngoài đều khá lạc quan về triển vọng kinh doanh thời gian tới. Điều này có được nhờ vào yếu tố khách quan như Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, giúp cơ hội kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Nhưng yếu tố quan trọng đóng góp cho quá trình tăng trưởng là nhóm giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh. Việc này đã được thực hiện rất bền bỉ, mạnh mẽ trong 2 năm qua. Đặc biệt năm 2019 đã được thể hiện tương đối rõ nét khi việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành đều được đẩy mạnh, dù quá trình thực hiện chưa đều, chưa mạnh mẽ như kỳ vọng nhưng cũng có tác động nhất định tới sự phát triển DN.

Trong những tháng còn lại của năm 2019, hoạt động liên quan tới DN cũng có nhiều điểm đáng lưu ý. Bối cảnh chung đang bất ổn hơn do tác động tiêu cực từ một số quan hệ thương mại, chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay là nền kinh tế mở, nên căng thẳng quốc tế cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Việt Nam. Đặc biệt, trong nước vẫn còn nhiều yếu tố quan trọng kìm hãm sự phát triển của DN, chẳng hạn như chi phí cao khiến DN cạnh tranh khó khăn hơn. Thủ tục hành chính dù có thay đổi lớn, nhưng so sánh với tương quan các nước còn khoảng cách không nhỏ. Nhiều cản trở từ cơ sở hạ tầng, vẫn còn tắc nghẽn trong việc kết nối cảng biển, đường sá quá tải, đặc biệt các đô thị lớn…

Do đó, thời gian tới, các DN Việt Nam có thể đón nhận những xu hướng hai chiều từ biến động rất mạnh hiện nay. Việt Nam có thể là tên được nhắc đến nhiều nhất, như một quốc gia, đối tác được hưởng lợi trong quan hệ thương mại căng thẳng. Tổng thống Mỹ đã nói các nhà sản xuất có thể nhập khẩu hàng của Việt Nam. Đây là thông điệp Việt Nam có thể khai thác một cách khéo léo. Hơn nữa, đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang nhiều triển vọng. Nhưng cũng cần lưu ý những rủi ro khi đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, nếu Việt Nam không chuẩn bị tốt sẽ tiếp tục tạo áp lực lớn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, Việt Nam phải lường hết các nguy cơ để có những giải pháp tối ưu nhất.

Thực tế cho thấy có tình trạng các DN “ngại lớn”, theo ông, đâu là nguyên nhân?

Điều tra của VCCI năm qua thấy một bộ phận DN nhỏ còn gặp khó khăn, tỷ lệ DN cho biết giảm quy mô kinh doanh, rời khỏi thị trường vẫn cao, chiếm 8% tổng số DN được điều tra. Đáng lưu ý là phần lớn DN Việt Nam là nhỏ và vừa nên số đông DN này vẫn đang chưa thực sự mạnh. Do vậy, đây cũng là vấn đề lớn trong phát triển DN của Việt Nam. DN sẽ có động lực hơn khi có được những lợi thế nhờ quy mô, vì nếu đạt được quy mô nhất định thì sẽ ứng dụng đổi mới công nghệ dễ hơn, hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Nhưng ở Việt Nam, lớn lên lại kèm theo rủi ro và chi phí, chi phí thực hiện thủ tục hành chính lớn hơn, phải đón nhiều đoàn thanh kiểm tra hơn, phải đối mặt với những thay đổi quy định nhiều hơn. Đây có lẽ là những yếu tố khiến Việt Nam ngại lớn.

Ngoài ra còn yếu tố nội tại như trình độ, khả năng quản trị của DN cũng là thách thức. Nên DN Việt Nam rất ít DN đạt quy mô vừa và lớn. Nhiều nhà kinh tế nói rằng Việt Nam có rất nhiều DN nhỏ và lớn nhưng thiếu DN quy mô vừa và hiệu quả, đặc biệt là DN cỡ vừa trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo. Vì thế, cần phải có những cải cách, mở đường cho DN lớn lên. Tiêu biểu nhất là Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 về chấn chỉnh công tác thanh kiểm tra đã có hiệu quả, điều tra của VCCI cho thấy tỷ lệ thanh kiểm tra, kiểm tra chồng chéo giảm rất mạnh. Nhưng vẫn còn nhiều DN cho biết phải đón tiếp hàng chục thanh kiểm tra mỗi năm. Nên VCCI khuyến cáo các địa phương, sở, ngành phải có phối hợp, giám sát công khai. Tiêu biểu như Bộ Tài chính đã có kinh nghiệm tốt trong việc phối hợp, siết chặt công tác thanh kiểm tra của ngành Thuế.

Với những khó khăn nêu trên, vấn đề nào DN cũng như các cơ quan chức năng cần lưu ý trong thời gian tới, thưa ông?

Điều quan trọng là để DN, đặc biệt là DN tư nhân Việt Nam khai thác được hết cơ hội thương mại, lợi ích từ thị trường, từ hoạt động hội nhập. Việt Nam có nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP. Hiệp định này đã qua 6 tháng thì cần đánh giá lại liệu DN tư nhân có khai thác hết được không, nếu không tốt thì là nguyên nhân tại sao? do năng lực, nội tại hay sức cạnh tranh kém…?

2019 là năm tương đối quan trọng với nền kinh tế vĩ mô trong nước. 2019 là năm Việt Nam nói nhiều đến thay đổi chiến lược trong thu hút, chọn lựa FDI nên cần có giải pháp lớn. 2019 cũng là năm đánh giá hiệu quả của các chương trình cải cách của Chính phủ rất tham vọng trong năm qua. Liệu các chương trình cải cách điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính… có về đích hay không? Chính phủ rất quyết liệt nhưng liệu các bộ, ngành có vào cùng nhịp với Chính phủ hay không? Có mang lại kết quả tích cực hay không? 5 tháng đầu năm có rất ít sáng kiến của các bộ, ngành cho thấy sự thiếu liên tục trong cải cách. Tức là cải cách phần lớn theo áp lực của Chính phủ. Do đó thách thức của Chính phủ là làm sao duy trì động lực cải cách cho hệ thống các cơ quan bộ, ngành, địa phương, để cải cách là cả quá trình, không phải một đợt.

2019 cũng là năm rất quan trọng để thực hiện mục tiêu 1 triệu DN hoạt động theo các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Chính phủ. Đây là mục tiêu rất tham vọng, quyết liệt, thậm chí nhiều người bi quan cho rằng khó đạt được. Nhưng theo tôi, về lý thuyết, mục tiêu này có thể đạt được nhưng cần những nỗ lực đột phá hơn. Ngoài ra, 2019 cũng là năm Việt Nam có soạn thảo, đề ra những đạo luật lớn có tác động tới môi trường kinh doanh nên kỳ vọng có những thay đổi lớn, đột phá lớn từ những đạo luật này. Năm nay cũng là năm Chính phủ nói nhiều đến Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ Tài chính, trong đó là Tổng cục Hải quan đã phụ trách Cổng thông tin một cửa quốc gia, nên thời gian còn lại của năm 2019 cần những bước đi mạnh mẽ trong việc vận hành Cổng thông tin này.

Như vậy, những hoạt động liên quan đến DN trong năm 2019 rất “khổng lồ”, theo ông, điều này có khiến các bộ, ngành quá tải?

Thực ra quá tải hay không nằm ở sự xác định nhiệm vụ của các bộ, ngành. Nên định hướng của các bộ, ngành thời gian tới chỉ là xây dựng chính sách, pháp luật, thể chế. Còn việc nào chuyển giao được cho bên ngoài thì nên làm, ví dụ như các hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo, cấp phép, cấp giấy chứng nhận… Nên cần cải cách bộ máy, tập trung vào những vấn đề cốt lõi, như nhiều lần Thủ tướng đã nhấn mạnh đến thể chế, phải tạo ra một thể chế tốt.

Xin cảm ơn ông!

Hương Dịu (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/tao-dong-luc-cho-doanh-nghiep-mau-lon-106588-106588.html