Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học (ĐH) tại TP Hồ Chí Minh thay đổi cách tuyển sinh để phù hợp với tình hình thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh…

Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh vừa thông báo điều chỉnh phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 theo hướng không chỉ thay đổi về thời điểm tổ chức mà còn lược bỏ một đợt thi. Theo đó, chỉ tổ chức một đợt thi đánh giá năng lực tại năm địa phương là TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang, Khánh Hòa và Đà Nẵng thay vì hai đợt như mọi năm.

Ngày thi đánh giá năng lực chính thức sẽ được ĐHQG TP Hồ Chí Minh công bố khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành kế hoạch thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020. Thí sinh muốn tham gia kỳ thi này có thể tiếp tục đăng ký đến hết ngày 15-6. Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 của ĐHQG TP Hồ Chí Minh chỉ diễn ra trong một buổi sáng với bài thi tổng hợp gồm 120 câu trắc nghiệm với thời gian làm bài 150 phút.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm an toàn cho thí sinh và xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, đồng thời giúp thí sinh có thời gian chuẩn bị tốt cho kỳ thi.

Một thay đổi lớn trong phương án tuyển sinh năm nay của Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh là không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. Trường xét tuyển 6.600 chỉ tiêu trình độ ĐH chính quy cho 47 ngành đào tạo theo ba phương thức xét tuyển độc lập, gồm: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (65%); xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh (10%) và xét tuyển học bạ THPT (25%). Đối với phương thức xét tuyển học bạ THPT, trường bổ sung thêm hình thức xét tuyển học bạ ba học kỳ bên cạnh hình thức xét điểm học tập năm lớp 12 theo tổ hợp ba môn nhằm đa dạng phương thức, bảo đảm chất lượng “đầu vào”.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng quyết định bỏ kỳ thi riêng để giảm áp lực, rủi ro thi cử cho thí sinh. Năm nay, trường chỉ còn ba phương thức xét tuyển với 6.570 chỉ tiêu bậc ĐH. Mặc dù vẫn giữ lại kỳ thi riêng để xét tuyển 20% chỉ tiêu nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành quyết định lùi các mốc thời gian xét tuyển để phù hợp với kế hoạch năm học của Bộ GD-ĐT. Trường này dành đến một nửa tổng chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển học bạ THPT, giảm tỷ lệ xét tuyển theo kết quả thi THPT xuống còn 20%. Mặc dù đã chốt lịch tổ chức thi năng khiếu riêng vào ngày 31-7 nhưng để giảm áp lực thi cử, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn đồng ý cho thí sinh sử dụng điểm thi năng khiếu vào các trường khác để nộp hồ sơ vào các ngành năng khiếu tại trường. Năm nay, Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh bổ sung thêm hai phương thức tuyển sinh mới nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển ĐH cho tất cả thí sinh. Theo đó, thay vì chỉ căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm, trường thêm phương thức xét tuyển mới là dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh với 15% chỉ tiêu và xét học bạ THPT từ 40 đến 50% chỉ tiêu.

Thay đổi tỷ lệ đối với các phương thức xét tuyển cũng là cách mà Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh áp dụng trong mùa tuyển sinh năm nay. Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông trường này cho hay, năm 2019, trường dành đến 80% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia thì năm nay tỷ lệ xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 40%; dành tới 40% chỉ tiêu để xét điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn; 10% xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

Trường ĐH Tài chính - Marketing TP Hồ Chí Minh cũng đã thay đổi tỷ lệ xét tuyển trong các phương thức để phù hợp tình hình thực tế. Năm nay, trong ba phương thức xét tuyển, nhà trường ưu tiên xét tuyển học bạ THPT với tối đa 60% chỉ tiêu, đồng thời giảm tỷ lệ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT xuống còn 25% và 15% chỉ tiêu còn lại dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh…

Bên cạnh việc tăng, giảm tỷ lệ theo phương thức xét tuyển, nhiều trường ĐH còn mở thêm ngành học mới phù hợp nhu cầu thực tế và ban hành chính sách học bổng để thu hút thí sinh. Năm 2020, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh tuyển sinh thêm năm ngành học mới, gồm: Kinh doanh thương mại; Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; Ngôn ngữ Trung Quốc; Khoa học dữ liệu; Quảng cáo, nâng tổng số ngành đào tạo bậc ĐH của trường lên 25. Trường cũng cải tiến chương trình tiếng Anh chuẩn từ sáu cấp độ lên bảy cấp độ. Trong khi đó, Trường ĐH Hoa Sen sẽ có thêm sáu ngành mới, gồm: Nhật Bản học; Hoa Kỳ học; Quản trị sự kiện; Nghệ thuật số (Digital Art); Bảo hiểm; Thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu nhân sự của thị trường lao động trong tương lai gần...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44519702-tao-dieu-kien-thuan-loi-nhat-cho-thi-sinh.html