Tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, kinh doanh đào, mai không phải từ rừng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào.

Văn bản nêu rõ, về đề nghị của UBND tỉnh Sơn La tại Văn bản số 14/BC-UBND ngày 13-1-2021 báo cáo tình hình trồng, khai thác và thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào trên địa bàn tỉnh Sơn La, Phó Thủ tướng có ý kiến như sau: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 273/VPCP-NN ngày 12-1-2021 của Văn phòng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Nghiêm cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái pháp luật cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Trừ cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tự do khai thác, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng cây và cành đào, mai. Tuyệt đối không được gây khó khăn, không làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

* Ngày 22-1, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 150/CĐ-TCTL-QLCT gửi các Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi các tỉnh, thành phố trung du và đồng bằng sông Hồng về việc chuẩn bị lấy nước đợt 2 phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Theo đó, thời gian lấy nước đợt 2 sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 26-1 đến 24 giờ ngày 2-2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thực hiện vận hành phát điện gia tăng trước thời điểm lấy nước khoảng ba ngày để bảo đảm mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội được duy trì từ 2 m trở lên. Các địa phương có diện tích đủ nước thấp như: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh cần đẩy nhanh tiến độ lấy nước để kịp tiến độ lấy nước chung, phấn đấu cơ bản hoàn thành kế hoạch lấy nước trong đợt 2. Trường hợp cần thiết, các đơn vị cần khẩn trương lắp đặt bổ sung trạm bơm dã chiến để chủ động lấy nước…

* Để giữ vững đà tăng trưởng ngành chăn nuôi, nhằm đạt mục tiêu sản xuất năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa có Công văn số 456/BNN-CN về một số biện pháp cấp bách duy trì phát triển chăn nuôi gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị và chính quyền các cấp triển khai một số biện pháp để phát triển chăn nuôi như: Cùng với phòng, chống dịch bệnh là duy trì phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bảo đảm tính bền vững, chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, nhất là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Rà soát, cơ cấu đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, nắm bắt hiện trạng đàn vật nuôi để cân đối cung - cầu cho phù hợp. Tăng cường phát triển chăn nuôi các giống vật nuôi có lợi thế, tạo sản phẩm cạnh tranh…

* Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 62 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 2.726 ha, cung cấp ra thị trường hơn 31 nghìn tấn sản phẩm, tổng giá trị sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 336 tỷ đồng. Các công nghệ đáp ứng chủ yếu như: Nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh…

* Theo Sở NN và PTNT tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn đã có hơn 56,9 nghìn héc-ta diện tích đất sản xuất nông nghiệp được lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm...

* Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã triển khai mô hình trồng thâm canh lúa thơm ST24 theo hướng hữu cơ tại các huyện: Krông Nô (quy mô 10 ha), Cư Jút (quy mô 10 ha), Đắk Glong (quy mô 10 ha) do 112 hộ tham gia thực hiện. Giống lúa thơm ST24 phát triển tốt, tỷ lệ nảy mầm hơn 95%, chiều cao cây từ 100 - 110 cm, cứng cây, chống đổ ngã tốt, đẻ nhánh khỏe. Đến nay, các mô hình đã cho thu hoạch, năng suất đạt trung bình 7, 17 tấn/ha.

* Sở NN và PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện có 12 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả trên địa bàn tỉnh được ngành khuyến khích nông dân nhân rộng. Một số mô hình ở lĩnh vực thủy sản, gồm: nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học quản lý môi trường ở xã Long Hòa, huyện Châu Thành; mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh lúa của xã Hàm Tân, huyện Trà Cú... Các mô hình ở lĩnh vực chăn nuôi, gồm: nuôi bò cái sinh sản phối giống bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo với tinh bò chuyên thịt giống Charolais hoặc BBB (Blanc-Blue-Belgium) ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành; mô hình chăn nuôi gà thịt thả vườn kết hợp sử dụng đệm lót sinh học ở xã Long Đức, TP Trà Vinh... Ở lĩnh vực trồng trọt, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa ở xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè; mô hình trồng lạc sử dụng phân bón thông minh chậm tan thích ứng biến đổi khí hậu ở xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang...

* Sở NN và PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, địa phương sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao đã được quy hoạch, phấn đấu đến năm 2025 có từ 3 - 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng các tiêu chí, với diện tích hơn 1.000 ha.

* Theo Hiệp hội Thanh long Long An, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 12.000 ha trồng thanh long, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành; trong đó, có gần 2.100 ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, máy băm dây thanh long, tưới nước tiết kiệm... đem lại hiệu quả cao.

* Nhằm hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sạch, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, vừa qua, tại huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), 47 hộ nông dân của hai xã Minh Diệu và Vĩnh Mỹ B đã mạnh dạn ứng dụng sản xuất lúa theo công nghệ vi sinh hữu cơ trên diện tích 117 ha. Việc áp dụng mô hình sản xuất này đã giúp tiết kiệm chi phí ban đầu cho việc cải tạo đất và ít dùng phân, thuốc hóa học; cây lúa không còn hiện tượng ngộ độc hữu cơ và miễn dịch với hiện tượng vàng lá, thối rễ.

Kịp thời cứu ba ngư dân bị lật thuyền

Lúc 8 giờ 30 phút ngày 21-1, Đồn Biên phòng Nhật Lệ (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) nhận được tin báo của bà Hoàng Thị Hằng (ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình) về việc chồng bà là ông Nguyễn Văn Vinh (SN 1977), cùng với hai ngư dân là ông Nguyễn Văn Lai (SN 1961) và Trần Văn Vững (SN 2000) khi đang khai thác hải sản trên biển bằng thuyền nan cách cửa biển Nhật Lệ khoảng 500 m, gặp sóng to, gió lớn khiến thuyền bất ngờ bị lật chìm. Cả ba ngư dân nêu trên bị trôi dạt trên biển và có nguy cơ đuối sức. Ngay khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Nhật Lệ đã khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện tiếp cận hiện trường tìm kiếm, cứu nạn. Đến 10 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng đã cứu được ba ngư dân, đưa vào bờ an toàn.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/tao-dieu-kien-thuan-loi-cho-viec-van-chuyen-kinh-doanh-dao-mai-khong-phai-tu-rung--632719/