Tạo điều kiện phát triển đi đôi với quản lý thật tốt mạng xã hội

Trả lời đại biểu Quốc hội, làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến quản lý mạng xã hội; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tinh thần chung của Chính phủ là tạo điều kiện phát triển mạng xã hội đi đôi với quản lý thật tốt, cương quyết ngăn chặn những điểm chưa tốt theo đúng pháp luật, xu thế thế giới, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Có thái độ kiên quyết với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trên thế giới có 52% dân số dùng Internet, 42% đã dùng mạng xã hội. Việt Nam có 67% người dùng Internet và 60% người dùng mạng xã hội. Mặc dù tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội Việt Nam cao hơn thế giới nhưng chủ yếu Việt Nam đang sử dụng ứng dụng công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài. Các công ty nước ngoài chiếm 95% thị phần mạng xã hội, 98% thị phần công cụ tìm kiếm, thị phần dịch vụ thư điện tử chiếm đến 98% từ các nhà cung cấp tên tuổi như Yahoo và Gmail... Riêng thị trường quảng cáo trực tuyến thì Facebook và Youtube cũng đã chiếm 80%.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về Chính phủ điện tử, mạng xã hội, an toàn, an ninh mạng

Theo Phó Thủ tướng, ở nhiều nước như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… việc quản lý mạng xã hội được đặt ra và thực hiện từ nhiều năm nay cả về công cụ pháp luật, biện pháp kỹ thuật cũng như có các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội khác. Ở Trung Quốc có mạng xã hội riêng. Với Facebook, mạng này chỉ đứng thứ 6 ở Hàn Quốc và thứ 7 ở Nhật Bản.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chung của Chính phủ là tạo điều kiện phát triển mạng xã hội đi đôi với quản lý thật tốt, cương quyết ngăn chặn những điểm chưa tốt theo đúng pháp luật, xu thế thế giới, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam. Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết, dứt khoát đối với các nhà cung cấp dịch vụ. Đó là phải phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, các cam kết của Việt Nam, bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Không được xuyên tạc, gieo rắc những thông tin đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước và văn hóa của Việt Nam.

Báo động về mất an toàn, an ninh thông tin

Đối với an toàn, an ninh thông tin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là một vấn đề rất lớn bởi chúng ta không thể không ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng nếu không bảo đảm an toàn, an ninh thì sẽ nguy hại rất lớn.

Phó Thủ tướng cho biết cứ mỗi giây trên thế giới có 176 sự cố liên quan đến an toàn, an ninh thông tin, 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, 4 mã độc được phát tán. Việt Nam hiện là một trong những nước có nguy cơ rất lớn về an toàn, an ninh mạng. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam đứng khoảng thứ 80 trên thế giới nhưng an toàn thông tin ở vị trí trên 100.

Bên cạnh đó nguy cơ lây nhiễm virus, mã độc từ các thiết bị cá nhân của Việt Nam cũng cao nhất thế giới với 73,8%. Ở Việt Nam, 61% máy tính cá nhân nhiễm mã độc so với tỷ lệ trung bình 19% của thế giới. Trên thế giới, 60% người dân nhận ra nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng do cá nhân nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ là 11%. Điều đó cho thấy chưa có sự nhận thức rõ về nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin của cả tổ chức lẫn cá nhân.

Nhân lực chuyên được đào tạo về an toàn, an ninh thông tin ở Việt Nam cũng đang rất thiếu. "Chúng ta chỉ có khoảng 500 cán bộ chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin, trong khi con số này ở Trung Quốc là 40.000 người, Mỹ - Đức cũng có đến 15.000 - 20.000 người", Phó Thủ tướng cho biết.

“Chúng ta có chủ quyền quốc gia về an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng và phải giữ chủ quyền này”, Phó Thủ tướng khẳng định và nêu một số biểu hiện vi phạm chủ quyền không gian mạng như thông tin bôi nhọ, nói xấu; lộ lọt bí mật, lấy mất thông tin; phá hoại thông tin, hệ thống điều hành; chiếm quyền kiểm soát hệ thống; nguy hiểm nhất là “đội quân mã độc” đang nằm trong hàng triệu máy tính ở Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề phải mất nhiều năm mới xử lý được, nhưng nếu chúng ta không ý thức từ bây giờ sẽ vô cùng nguy hiểm. Do vậy cần phải có những công cụ, lực lượng để thực hiện.

“Nhận thức là vô cùng quan trọng nhưng đi kèm với đó là năng lực ứng phó với các cơ cấu, quy định phải rất rõ ràng, cụ thể khi việc xử lý trong thời gian rất ngắn. Khi ứng phó sự cố an toàn, an ninh thông tin ngoài yêu cầu toàn vẹn, bí mật thì phải truy được trách nhiệm, dấu vết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

PV

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/trong-nuoc/tao-dieu-kien-phat-trien-di-doi-voi-quan-ly-that-tot-mang-xa-hoi-30949