Tạo điều kiện hỗ trợ người nghèo vượt khó

Trong khuôn khổ chương trình 'Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau 2017' đêm 15/10, Báo Đại Đoàn kết ghi nhận những ý kiến của Nhà tài trợ và những gương tiêu biểu vươn lên vượt khó, cũng như hỗ trợ cộng đồng vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Hải.

1. Ông Nguyễn Hồng Hải – Trưởng Ban Phát triển thị trường Tập đoàn VNPT:

Mặt trận là ngôi nhà chung, là sự đoàn kết, đồng lòng của 54 dân tộc anh em. Hơn nữa mặt trận cũng kêu gọi được các giới sắc, chức sắc, các tín ngưỡng, tôn giáo để chung tay giải quyết các vấn đề xã hội chúng ta đang cần. Tôi cho rằng, Mặt trận cần phát huy hơn thế mạnh của mình trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo.

Khi Mặt trận Tổ quốc phát động chương trình này, tôi rất ủng hộ và thấy rằng chúng ta cần phải hỗ trợ cho người nghèo, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội để họ vươn lên trong cuộc sống, nhằm xây dựng đất nước vững mạnh. Tôi thấy ý nghĩa của chương trình rất tốt. Còn không để lại người nghèo ở phía sau là ý nghĩa rất thiết thực và chúng tôi mong rằng tất cả mọi người cùng chung tay để xã hội tươi đẹp, để không có ai phải đói nghèo, không có ai phải khổ vì thiếu thốn.

Giải pháp đưa cho người nghèo vươn lên thoát nghèo, Chính phủ đã làm rất nhiều chương trình từ trước tới nay, đặc biệt hỗ trợ cho người nghèo, cứu đói, cứu nạn vùng sâu vùng xa rất nhiều. Nhưng nếu chỉ cho thức ăn thức uống sẽ dẫn đến họ không có ý thức vươn lên. Trong đó, mỗi con người đều có tiềm năng lớn. Vậy chúng ta cần phải kích thích họ, hướng dẫn họ, tạo cho họ cần câu để ho câu được con cá, để họ tự đứng lên tại vùng đất của họ. Như vậy sức mạnh của đất nước sẽ được nhân lên.

Bà Ninh Thị Lan Phương.

2. Bà Ninh Thị Lan Phương- Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần SHB:

Chúng tôi luôn đồng hành với công tác an sinh xã hội. Ngoài bằng quỹ phúc lợi, cán bộ công nhân viên góp lương, chúng tôi còn có một số chương trình các cán bộ công nhân viên làm đồ handmade ngoài giờ để bán để ủng hộ người nghèo, các địa phương gặp thiên tai. Với chương trình Chung tay vì người nghèo, không để ai ở lại phía sau cũng là một trong những hoạt động ngân hàng SHB thường xuyên làm. Và có một tổ chức lớn như Mặt trận đứng ra, chúng tôi sẵn sàng tham gia, số tiền lần nay chúng tôi ủng hộ là 1 tỷ đồng đóng góp bước đầu. Chương trình này chưa dừng lại mà còn kéo dài trong thời gian tới.

Với vai trò của một khán giả, tôi thấy đây là một hành động nhân văn. Tôi đã đưa con trai mình tới đây tham dự với mong muốn để con thấy được những gì các cô, các bác, các anh chị cùng chung tay về người nghèo, để cháu cảm nhận được tinh thần thương người như thể thương thân, lá làng đùm là rách. Chúng ta cần nhân lên những hành động này để mọi người biết và cùng làm.

Chúng tôi góp tiền ủng hộ cũng là hành động nhất thời, nhưng thực sự tôi muốn có những biện pháp tạo công ăn việc làm cho người nghèo. Ví dụ những vùng xa xôi hẻo lánh cần khuyến khích các doanh nghiệp sử dung lao động phổ thông tại địa phương để tạo công ăn việc làm. Tạo cơ chế miễn thuế, giảm thuế, ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho người dân làm nghề thủ công, như vậy sẽ tạo được công ăn việc làm lâu dài, tạo sự ổn định bền vững cho người dân.

Bà Triệu Thị Hường.

3. Bà Triệu Thị Hường- Tổ trưởng nhóm sản xuất rau An Lành Phúc Lộc của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn:

Chúng tôi thành lập nhóm từ năm 2015. Năm 2016 chúng tôi được Ban giảm nghèo của Trung ương giới thiệu và giúp đỡ triển khai chương trình trồng rau an toàn. Nhóm cũng từng tham dự Hội thi Sáng kiến của nông dân. Với vai trò trưởng nhóm, tôi đã tuyên truyền, vận động các chị em dân tộc thiểu số nghèo trước đây chỉ trồng cây lúa, cây ngô, nay trồng thêm cây rau để nâng cao thu nhập thường xuyên, từ đó con em được đến trường, gia đình có cái ăn, cái mặc.

Trong nhóm của tôi hiện có 30 thành viên, lúc đầu chỉ có 13 người tham gia. Khi vào nhóm chị em thấy có hiệu quả nên tự đăng kí tham gia. Chúng tôi tất cả vươn lên từ những hộ dân nghèo cùng chung tay trồng rau sạch, hiện cuộc sống của chúng tôi cũng đang dần khấm khá.

Bà Lang Thị Hoa.

4. Bà Lang Thị Hoa – dân tộc Thái Nhóm trưởng nhóm mây tre đan bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An:

Chúng tôi làm sản phẩm này từ tháng 6/2014. Trước đó, gia đình tôi cũng thuộc diện khó khăn, các hộ dân trong bản cũng rất nhiều hộ khó. Nhất là phụ nữ đơn thân và người già không nơi nương tựa. Chúng tôi đã nghĩ ra những sản phẩm mây tre đan và tìm ra những hoa văn truyền thống của dân tộc Thái để sản phẩm độc đáo hơn để thu hút thị trường. Chúng tôi mang sản phẩm giới thiệu ở nhiều hội chợ địa phương và các tỉnh. Chúng tôi được Viện Nghiên cứu ngành nghề nông thôn hỗ trợ quảng bá sản phẩm tại Hội trợ Giảng Võ, Hà Nội. Khách hàng biết đến và đặt mua hàng ngày càng nhiều. Bây giờ mỗi người nhận 120.000/người/ ngày công. Trong tổ nhóm của tôi từ chỗ bản Diềm có 12 hộ nghèo từ năm 2014, hiện tại chỉ còn 5 hộ nghèo. Chúng tôi hy vọng sẽ xóa hộ nghèo của bản Diềm trong thời gian tới.

Hải Nhi (thực hiện)
Ảnh: Quang Vinh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/mat-tran/tao-dieu-kien-ho-tro-nguoi-ngheo-vuot-kho-382743