Tạo điều kiện giúp thanh niên nghèo lập nghiệp

Ngày 12/6, tổ chức Plan International phối hợp cùng với Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội và Trường CĐ Xây dựng công trình đô thị tổ chức lễ Tổng kết dự án 'Dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội'.

Hỗ trợ trang thiết bị giúp sinh viên nâng cao kiến thức.

Với kinh phí hỗ trợ hơn 39 tỷ đồng, sau 3 năm triển khai dự án nói trên đã thực sự tạo điều kiện cho thanh niên nghèo khởi nghiệp. Đồng thời phát triển mạng lưới 100 doanh nghiệp cùng tham gia vào đào tạo, thực tập và tuyển dụng.

Liên kết nhà trường và doanh nghiệp

Nhằm mang đến cơ hội việc làm và cuộc sống tốt đẹp hơn cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn thông qua chương trình đào tạo nghề có chất lượng và phù hợp với định hướng thị trường, dự án “Dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội” với sự tài trợ của Plan đã được triển khai tại 2 Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội và Trường CĐ Xây dựng Công trình đô thị. Được triển khai từ 9/2015 đến 6/2018 đến nay Dự án đã đào tạo nghề miễn phí cho gần 500 thanh niên nghèo ra trường có việc làm thu nhập cao.

Đáng chú ý, nhằm mang đến cơ hội việc làm và cuộc sống tốt đẹp hơn cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn thông qua chương trình đào tạo nghề có chất lượng và phù hợp với định hướng thị trường, Dự án đã hỗ trợ Trường CĐ Nghề công nghiệp Hà Nội và Trường CĐ Xây dựng công trình đô thị đổi mới môi trường đào tạo nghề có chất lượng và phù hợp với định hướng thị trường. Cụ thể hỗ trợ cải thiện và trang bị hiện đại cho 4 nhà xưởng đào tạo về đường ống công nghệ hàn, công nghệ ô tô. Đồng thời nâng cao năng lực giáo viên cả về kỹ năng nghề và phương pháp giảng dạy tích hợp với sự hỗ trợ của chuyên gia trong và ngoài nước.

Quan trọng hơn, lần đầu tiên, một xưởng đào tạo An toàn xây dựng và công nghiệp được xây dựng cùng với giáo trình 60 giờ dành cho sinh viên học nghề và 16 giờ cho người lao động đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Đã có hơn 1.698 học sinh tại 2 trường đã được đào tạo và cấp chứng chỉ về An toàn lao động.

Không chỉ hỗ trợ về cơ sở vật chất để thanh niên nghèo có được việc làm bền vững dự án đã cùng hai trường thiết lập và phát triển mạng lưới 100 doanh nghiệp, trong đó có 50 doanh nghiệp dịch vụ sửa chữa và bão dưỡng ô tô và 50 doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng trong đào tạo, thực tập và tuyển dụng người lao động. Nhờ sự kết hợp này các em học sinh đã có môi trường thực tập khá lý tưởng và có việc làm ngay sau khi ra trường

Thay đổi tư duy hỗ trợ dạy nghề

Trước bối cảnh bối cảnh thị trường lao động Việt Nam ngày càng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng và tận tâm thì nhận thức về việc học nghề, có việc làm ổn định vẫn là một khoảng trống đối với thanh niên tham gia học nghề. Chính vì vậy dự án đã xây dựng một bộ giáo trình Đào tạo kỹ năng Phát triển bản thân và sẵn sàng làm việc, bao gồm giáo trình cho giáo viên và sách học dành cho học sinh, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các trường CĐ nghề và các doanh nghiệp trong việc đổi mới chương trình đào tạo. Theo thống kê của 2 trường tính đến đến thời điểm hiện tại đã có 1.559 em sinh viên đã được đào tạo, cấp chứng chỉ và sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Ước tính hàng năm sẽ có khoảng 2.000 thanh niên đang học tại trường sẽ được trang bị các kỹ năng thiết yếu này.

Thực tế cho thấy, mở đường khởi nghiệp cho thanh niên nghèo thông qua hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí đã được chứng minh là giải pháp đúng, khả thi. Tuy nhiên hoạt động dạy nghề ở nhiều nơi vẫn theo tư duy cũ, không đổi mới phương pháp chính vì vậy không thu hút giới trẻ.

Theo ông Nguyễn Anh- Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, lực lượng thanh niên được hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ không tìm được việc làm là do họ theo học những ngành, nghề xã hội ít cần. Trong danh mục dạy nghề theo Quyết định này có nhiều nghề không còn phù hợp, nhiều nghề xã hội đang cần lại bị bỏ trống.

Do đó để thanh niên nghèo tự tin học nghề, lập nghiệp thiết nghĩ sự hỗ trợ cần xây dựng được môi trường học nghề đáp ứng với thị trường, tiếp đó là sự liên kết với doanh nghiệp. Điều quan trọng: cần định hướng và trang bị cho sinh viên học nghề những kỹ năng mềm để các em có thể tự tin lập nghiệp.

Đánh giá việc triển khai dự án ông Trần Văn Lịch - Vụ trưởng Vụ Giáo viên và quản lý cán bộ quản lý dạy nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, tuy nguồn kinh phí không cao nhưng dự án đã thực hiện được đồng bộ hiệu quả ở các lĩnh vực như: cơ sở vật chất, dựng giáo trình, tạo mạng lưới kết nối với doanh nghiệp từ đó dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên. “ Không chỉ với thanh niên nghèo mà với lực lượng thanh niên nói chung khi đã chọn lựa học nghề đều mong muốn học trong môi trường tốt, được thực tập ngay khi còn đi học và quan trọng có việc làm ổn định khi ra trường. Có thể thấy với sự hỗ trợ liên kết trên đã đem lại kết quả không chỉ cho sinh viên học nghề mà cho nhà trường, doanh nghiệp. Từ kết quả này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ nghiên cứu, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện các dự án khác trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt hiệu quả cao nhất”- ông Lịch cho biết.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/tao-dieu-kien-giup-thanh-nien-ngheo-lap-nghiep-tintuc407044