Tạo điểm tựa vững chắc

Thành phố Hà Nội hiện là 'điểm sáng' của cả nước về công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội, không để người nghèo ở lại phía sau. Đây là kết quả từ những chính sách phù hợp với thực tiễn cũng như nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố trong công tác giảm nghèo.

Một trong những giải pháp xuyên suốt để giảm hộ nghèo hiệu quả mà thành phố Hà Nội đã, đang triển khai là tạo ra điểm tựa vững chắc cho người nghèo vươn lên. Trong đó, hàng loạt cơ chế, chính sách có tính đặc thù cho hộ nghèo được thành phố ban hành và triển khai hiệu quả, đồng bộ từ cấp thành phố đến cơ sở như áp dụng chuẩn nghèo, mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn trung ương; hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế… Đặc biệt, hằng năm, thành phố đều trích ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo cùng các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi; triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh để đa dạng hóa sinh kế bằng việc hỗ trợ về công cụ, phương tiện và nhân rộng mô hình giảm nghèo ưu việt; ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề…

Đáng chú ý, để các cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo đến đúng đối tượng, thành phố rất quan tâm đến việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, sau đó phân tích, tổng hợp nhu cầu, khả năng, hoàn cảnh của từng hộ, từng nhóm đối tượng, làm căn cứ đề xuất giải pháp trợ giúp hiệu quả nhất. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo cũng được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, công khai, minh bạch.

Năm 2021 và những năm tiếp theo, Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo và hạn chế tái nghèo theo hướng bền vững. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là với người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thì để hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải kiên trì các giải pháp đang triển khai, trong đó bao gồm các cơ chế, chính sách đặc thù, các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh đào tạo nghề… Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, triển khai phải thực chất, mang tính lâu dài, xuyên suốt để bảo đảm hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo mang tính bền vững. Muốn vậy, việc điều tra, rà soát đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn phải được các địa phương coi trọng, bởi làm tốt việc này, các ngành chức năng, địa phương sẽ có những dữ liệu làm cơ sở cho các giải pháp giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh từng hộ nghèo và thực tế ở địa phương.

Ở tầm nhìn rộng hơn, các địa phương còn hộ nghèo cần tăng cường lồng ghép, kết hợp chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình giảm nghèo. Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm đến việc huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mở rộng việc nhân cấy ngành nghề nông thôn; thu hút đầu tư… để xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong dài hạn, việc này sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng nông thôn, tạo ra nhiều việc làm, phát triển kinh tế gia đình, từ đó nâng cao đời sống người dân địa phương, trong đó có người nghèo.

Công tác giảm nghèo, nếu chỉ có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương thì khó thành công, mà quan trọng là phải có sự nỗ lực vươn lên từ chính người nghèo. Theo đó, các hộ nghèo còn sức lao động cần tận dụng tốt các cơ chế, chính sách về giảm nghèo, sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, nâng cao tri thức về sản xuất, kinh doanh để tạo sinh kế lâu dài cho chính mình. Khi đã tạo được điểm tựa vững chắc để người nghèo có thể tự vươn lên, thì việc giảm nghèo sẽ thật sự bền vững và hiệu quả.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/999949/tao-diem-tua-vung-chac