Tạo điểm tựa cho những tấm huy chương

Hay tin con trai người bạn thân vừa đoạt huy chương bạc tại một kỳ thi quốc tế, tôi khoác vội chiếc áo, phóng xe sang nhà bạn để chia vui cùng gia đình. Từ đầu làng, tôi đã nghe thấy tiếng nói cười râm ran của bà con làng xóm, rộn lên cả một góc quê yên bình.

Vừa nhìn thấy tôi, ông bạn đã mừng quýnh, chạy tới ôm chầm và thủ thỉ: “Hạnh phúc quá ông ạ! Vậy là sau bao nhiêu vất vả, nỗ lực của con và vợ chồng tôi đã được bù đắp”. Vợ chồng ông bạn tôi vốn là nông dân, nhà lại có một mụn con nên vợ chồng luôn nung nấu ước mơ cho con một tương lai thoát nghèo. Tôi mừng cho bạn, có lẽ tấm huy chương bạc mà con giành được tại kỳ thi quốc tế này sẽ phần nào thỏa ước nguyện của đôi vợ chồng nghèo. Nhâm nhi chén nước vối, ông bạn kể cho tôi quãng thời gian vợ chồng ông đồng hành cùng con trong suốt hành trình học hành, ôn luyện để được đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia rồi vào đội tuyển quốc gia dự thi kỳ thi quốc tế.

Con bạn tôi rất thông minh, lại ham học hỏi. Từ nhỏ, cậu bé đã có có thành tích nổi trội hơn các bạn cùng lớp. Khát vọng học tập của con cũng là mong muốn của vợ chồng bạn tôi. Vì gia đình nghèo, không có điều kiện kinh tế cho con học thêm nên cậu bé toàn tự mày mò học thêm kiến thức qua internet, qua sách vở, tài liệu. Vất vả nhất là giai đoạn tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia. Dù cuộc sống khó khăn nhưng bạn tôi vẫn cố gắng hết sức để cho con học đến nơi đến chốn. Ngặt một nỗi, thời điểm đấy, nhà trường rồi địa phương cũng không có nhiều kinh phí đầu tư cho học sinh giỏi, cộng thêm kinh nghiệm không có nhiều nên từ chi phí đến việc tìm thầy cho con học, hầu hết bạn tôi đều phải tự túc. Theo lời mách bảo của một người có kinh nghiệm, bạn tôi tìm được một lớp bồi dưỡng học sinh giỏi ở tỉnh khác. Nhưng cũng bởi tính cạnh tranh nên phụ huynh ở lớp học này không đồng ý cho con bạn theo học. Chỉ đến khi vào được đội tuyển quốc gia, con mới được hỗ trợ học thêm cùng giáo sư, giáo viên giỏi. Khi ấy chỉ cách kỳ thi quốc tế khoảng dăm ba tháng, trong khi học sinh ở tỉnh khác đã được đầu tư học thêm giáo sư, giáo viên giỏi tới cả năm ròng. Nói tới đây, giọng ông bạn tôi chùng xuống, tiếc nuối: “Nếu điều kiện kinh tế mình khá hơn, con được đầu tư hơn chắc thành tích của con sẽ khác”.

“Cả làng, cả tỉnh hiếm có con nhà ai ham học và có ý chí như con ông”, tôi động viên để bạn có thêm động lực nhưng lòng không khỏi tâm tư. Có điều kiện được làm việc tại một số quốc gia phát triển, tôi thấy rằng, việc chú trọng phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài là một trong những giải pháp căn cơ để các quốc gia này có nền kinh tế phát triển mạnh. Dù ở bất kỳ thời đại nào, nhân tài luôn là nguyên khí của một quốc gia. Không phủ nhận rằng, năng khiếu của mỗi người là khác nhau, nhưng năng khiếu muốn được phát huy còn phụ thuộc phần lớn vào việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng. Chính vì vậy việc phát huy, đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng nhân tài là vô cùng quan trọng.

Thời gian qua, học sinh Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tích cao tại các cuộc thi trí tuệ thế giới. Kết quả này có được cũng bởi ngành giáo dục nước nhà đã có sự đổi mới đồng bộ theo hướng căn bản, toàn diện. Song để các nhân tài thực sự phát huy hết tài năng, ngoài sự đầu tư, quan tâm của gia đình, rất cần sự chung tay từ cấp cơ sở, địa phương và ngành giáo dục trong việc hỗ trợ, tổ chức từ khâu tuyển chọn học sinh giỏi cấp địa phương, cấp quốc gia tới công tác tập huấn các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

UYÊN NHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tao-diem-tua-cho-nhung-tam-huy-chuong-605359