Tạo điểm nhấn đột phá, đánh thức tiềm năng du lịch miền biên viễn

Một vùng đất giàu bề dày văn hóa, lịch sử, với hàng trăm di tích, nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ… nhận thức rất rõ về tiềm năng, thế mạnh ấy của mình, Cao Bằng đang quyết tâm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nơi hội tụ những giá trị văn hóa đặc trưng và đa sắc màu

Có lẽ hiếm có địa phương nào trên dải đất hình chữ S hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng và đa sắc màu của nhiều dân tộc, có bề dày lịch sử, văn hóa, với hàng trăm di tích, với cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình, thậm chí là những tuyệt phẩm thiên nhiên với vẻ đẹp đa dạng, riêng có như Cao Bằng. Đó là các loại hang động đồ sộ, đa dạng và đẹp kỳ thú như: động Ngườm Ngao (Trùng Khánh), hang Dơi (Hạ Lang), hang Ki Lu, hang Khuổi Khua (Phục Hòa); Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Ðén (huyện Nguyên Bình); quần thể hồ - sông - hang ngầm Thang Hen - hiện tượng “Turlough” kỳ thú, thác Bản Giốc - thác nước hùng vĩ và đẹp bậc nhất Ðông - Nam Á. Hệ thống núi đá vôi hùng vỹ xen lẫn thung lũng đất và hệ thống hang động của Cao Bằng vừa được công nhận là Công viên địa chất non nước UNESCO Cao Bằng.

Thiếu nữ Tày bên suối Lê Nin - núi Các Mác. (Ảnh: Phạm Khoa)

Cao Bằng còn là nơi tụ hội của hơn 20 dân tộc anh em quần cư sinh sống, như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Lô Lô… Mỗi dân tộc có phong tục tập quán, văn hóa đặc trưng riêng hội tụ thành vườn hoa đa sắc màu văn hóa hấp dẫn khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm. Hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống của các dân tộc là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào của địa phương. Bên cạnh đó là các giá trị lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, với hàng trăm di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác, như: lễ hội Nàng hai, lễ hội Lồng tồng, lễ cấp sắc, lễ hội pháo hoa; và những làn điệu dân ca làm say lòng du khách như hát then, hát sli, hát lượn...

Bên cạnh các giá trị thiên nhiên như đặc điểm địa chất và đa dạng sinh học, non nước Cao Bằng còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 để lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Ðạo - nơi năm 1944, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; các điểm di tích Chiến thắng Biên giới 1950 (huyện Thạch An)…

Làm hương ở Phia Thắp, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên. (Ảnh: Phạm Khoa)

Tạo điểm nhấn đột phá để tăng sức thu hút riêng biệt

Du lịch, đôi khi tựa như một cô gái, đẹp không chưa đủ để cô gái ấy có thể trở thành “thỏi nam châm” giàu sức hút, mà đôi khi cô gái ấy phải tạo được cho mình điểm nhấn để tăng sức thu hút riêng biệt. Du lịch Cao Bằng cũng vậy! Từ thực tế một du lịch Cao Bằng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, ngành du lịch Cao Bằng đang nỗ lực tạo dựng cho mình những điểm nhấn đột phá.

Trước hết, với điểm tựa là định hướng Quy hoạch phát triển du lịch Cao Bằng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Cao Bằng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến mới, tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong lĩnh vực du lịch, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của du lịch địa phương. Bên cạnh đó, Cao Bằng chủ trương huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội: vốn Chính phủ, vốn phi chính chủ, nguồn xã hội hóa..., ưu tiên xây dựng hạ tầng cơ sở, xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường xã hội hóa hoạt động đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh; bảo tồn và phát triển các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống..., để phục vụ phát triển du lịch. Đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Cao Bằng. Đề xuất ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mang thương hiệu Cao Bằng có sức hút, sức cạnh tranh cao.

Hồ Nặm Trá, Trà Lĩnh, Cao Bằng. (Ảnh: Phạm Khoa)

Bên cạnh đó, những điểm nhấn đột phá của du lịch Cao Bằng còn là việc Xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch Khu du lịch thác Bản Giốc; phối hợp với Ủy ban UNESCO Việt Nam nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng; Xây dựng Quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén và đề nghị bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng Quy hoạch Khu phố ẩm thực, chợ nông sản địa phương phục vụ khách du lịch tại thành phố. Quy hoạch các khu, điểm du lịch khác như: Điểm du lịch Thiêng Qua (mốc 589) và cặp chợ biên giới mốc 590, xã Cô Ba (Bảo Lạc); Điểm du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô bản Khuổi Khon (Kim Cúc, Bảo Lạc); Quy hoạch các điểm di tích lịch sử văn hóa thuộc huyện Hòa An (Di tích Nặm Lìn, Lam Sơn; đền Vua Lê, thành Nhà Mạc...); Quy hoạch hệ thống hang động trong tỉnh, phục vụ tham quan du lịch. Lập hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng Di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Biên giới năm 1950 là Di tích Quốc gia đặc biệt; Quy hoạch xây dựng điểm trung chuyển kết nối du lịch liên kết vùng: Bảo Lâm (Cao Bằng) - Mèo Vạc - Đồng Văn - Bắc Mê (Hà Giang); Thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) - Thủy điện Nho Quế (Mèo Vạc - Hà Giang) - Thủy điện sông Gâm 1, 2 (Bảo Lâm).

Phát triển bền vững

Những giải pháp, nỗ lực quyết liệt và bền bỉ đã dần tạo nên cho du lịch Cao Bằng những bước chuyển ấn tượng. Đơn cử như năm 2017 vừa qua, Cao Bằng đón 952 nghìn lượt du khách, doanh thu du lịch đạt 189 tỷ đồng. Riêng tám tháng đầu năm 2018, tỉnh đã đón hơn 836 nghìn lượt du khách, trong đó, gần 71 nghìn lượt khách quốc tế (tăng 98,6% so với cùng kỳ), hơn 765 nghìn lượt khách trong nước (tăng 23,7%). Tổng doanh thu du lịch đạt 219 tỷ đồng, tăng 65,6% so với cùng kỳ. Ngành du lịch Cao Bằng tin rằng, năm 2018 này, lần đầu tiên, tỉnh sẽ “cán mốc” đón hơn một triệu du khách.

Sông Quây Sơn - Trùng Khánh - Cao Bằng. (Ảnh: Phạm Khoa)

Đó thực sự là những con số gây phấn khích, tuy nhiên, với Cao Bằng, sự tăng trưởng ấy sẽ trở nên ý nghĩa hơn nhiều nếu mang tính chất bền vững. Ngành du lịch Cao Bằng hiểu rằng để có thể có một thương hiệu du lịch Cao Bằng phát triển bền vững, trước tiên, phải dám nhìn lại chính mình bằng tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, xác định rõ những bất cập, hạn chế và đề ra giải pháp cụ thể để khắc phục. Trước hết là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành đặc biệt là người dân về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo; Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; tạo chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng; Nghiên cứu, điều tra, đánh giá thị trường mục tiêu để thu hút khách du lịch, thực hiện hoạt động xúc tiến quảng bá theo hướng chuyên nghiệp; Hợp tác đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ du lịch; Phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch...

Hoàn thiện được những điểm còn hạn chế đó, chắc chắn ngành du lịch Cao Bằng sẽ phát triển bền vững. “Nàng công chúa” du lịch miền biên viễn này sẽ được đánh thức hoàn toàn, chứng tỏ vẻ đẹp và sự cuốn hút hiếm có của mình, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Cao Bằng.

Thành Vinh – Đắc Nguyên – Trần Quốc

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/tao-diem-nhan-dot-pha-danh-thuc-tiem-nang-du-lich-mien-bien-vien-49377