Tạo đà thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng giữa Việt Nam và Ai Cập

Nhận lời mời của Tổng thống CH A-rập Ai Cập A.Xi-xi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân thăm cấp nhà nước tới CH A-rập Ai Cập từ ngày 25 đến 28-8. Diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, tạo đà thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng giữa hai nước.

Nước CH A-rập Ai Cập nằm ở khu vực Bắc Phi, với hơn 97 triệu dân. Từ tháng 5-2014, chính quyền của Tổng thống A.Xi-xi đã tiến hành nhiều biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ, nhanh chóng đưa nền kinh tế Ai Cập dần ổn định sau thời gian chịu tác động của những biến cố chính trị trong nước xảy ra hồi năm 2011. Năm 2017, kinh tế Ai Cập có nhiều chuyển biến tích cực, với GDP đạt 332 tỷ USD và đạt mức tăng trưởng 4,1%. Trong giai đoạn đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ai Cập đạt 5,4%. GDP bình quân đầu người ở mức 3.750 USD năm 2017. Ai Cập đã vươn lên đứng thứ nhất về quy mô kinh tế, dân số và là một trong những nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu châu Phi.

Các ngành kinh tế chính của Ai Cập là du lịch, dầu mỏ, dệt may, chế biến nông sản, hóa chất, xây dựng...

Kim ngạch xuất khẩu của Ai Cập năm ngoái đạt 21,68 tỷ USD, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là dầu thô, sản phẩm hóa dầu, bông, dệt may, các sản phẩm thép, hóa chất, thực phẩm chế biến. Nước này nhập khẩu máy móc và trang thiết bị, thực phẩm, hóa chất, sản phẩm gỗ, nhiên liệu.

Là nước có vai trò và vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực, nối liền lục địa Á-Phi, Ai Cập đã đóng góp lớn cho ngân sách hoạt động của Liên minh châu Phi (AU). Ai Cập cũng là nơi đặt trụ sở Liên đoàn A-rập và đại diện nhóm châu Phi/A-rập cho vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016 - 2017. Ai Cập từng là một trong những lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc trong những năm 1950 - 1960 và là một trong những nước sáng lập Phong trào Không liên kết. Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi hiện nay đang tiếp tục thúc đẩy chính sách “hướng Đông”, quan tâm mở rộng quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ai Cập ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Ai Cập là một trong những nước A-rập đầu tiên có quan hệ với Việt Nam. Ngày 1-9-1963, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng năm đó, Việt Nam mở Đại sứ quán tại thủ đô Cai-rô của Ai Cập và một năm sau, Ai Cập mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước được ghi dấu bởi những sự kiện mang ý nghĩa lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến Ai Cập vào các năm 1911 và 1946. Tháng 5-2017, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Đài Truyền hình quốc gia Ai Cập. Việt Nam và Ai Cập thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Ai Cập ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020 - 2021), Hội đồng Nhân quyền (2014 - 2016), Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC 2016 - 2018)...

Việt Nam ủng hộ Ai Cập vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2016 - 2017), Hội đồng Nhân quyền (2017 - 2019), ECOSOC (2016 - 2018)...

Mối quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa hai nước còn được đánh dấu bởi các chuyến thăm lẫn nhau của các lãnh đạo cấp cao. Hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, thương mại, giao thông, nông nghiệp, văn hóa...

Là đối tác thương mại lớn thứ năm tại châu Phi của Việt Nam, Ai Cập nhập khẩu các mặt hàng gồm hải sản, linh kiện phụ tùng ô-tô, vải sợi, hạt tiêu đen, cà-phê, cao-su, hàng tiêu dùng, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa... từ Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt khoảng 350 triệu USD. Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới CH A-rập Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; mở ra triển vọng hợp tác giữa Việt Nam với Ai Cập, cũng như các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường châu Phi. Kết quả chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước bước sang trang mới, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.

NHÂN DÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37415802-tao-da-thuc-day-hop-tac-trong-cac-linh-vuc-tiem-nang-giua-viet-nam-va-ai-cap.html