Tạo cú huých cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2020 vừa được tổ chức đã thu hút 190 doanh nghiệp và 20 nhà kinh doanh lớn trong và ngoài nước tới gặp gỡ, kết nối giao thương theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thông qua sự kiện này có thể thấy, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng có nhu cầu phát triển mạnh mẽ.

Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ 2020 giới thiệu sản phẩm hỗ trợ cho khách hàng.

Các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ 2020 giới thiệu sản phẩm hỗ trợ cho khách hàng.

Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2020 vừa được tổ chức đã thu hút 190 doanh nghiệp và 20 nhà kinh doanh lớn trong và ngoài nước tới gặp gỡ, kết nối giao thương theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thông qua sự kiện này có thể thấy, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng có nhu cầu phát triển mạnh mẽ.

Tham gia Hội chợ, Công ty CP Sản xuất và Phát triển công nghiệp Việt Nam Indema (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) đem đến tất cả những dòng sản phẩm có thế mạnh của doanh nghiệp như: công nghệ tấm, sơn tĩnh điện, khung giá đỡ… để quảng bá, giới thiệu tới khách hàng. Anh Nguyễn Duy Đức, Trưởng phòng Kinh doanh của Indema chia sẻ: Công ty được thành lập từ năm 2014. Tới nay có 180 lao động, xưởng sản xuất rộng 34.000 m2 và đã trở thành đối tác cho nhiều doanh nghiệp trong nước và Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ doanh thu 6,1 tỷ đồng trong năm đầu tiên, nay đã đạt 83 tỷ đồng/năm. Sự phát triển của công ty cũng cho thấy những tiềm năng và cơ hội của lĩnh vực CNHT trong giai đoạn hiện nay.

Mong muốn mở rộng đối tác, tìm kiếm thị trường, tiếp cận với các doanh nghiệp sản xuất lớn là nhu cầu của hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT ở Hà Nội. Phó Chủ tịch Công ty NC Network Việt Nam, Trần Anh Trung chia sẻ: Do tình hình dịch Covid-19, việc tổ chức Hội chợ đã bị trì hoãn và thay đổi nhiều, nhưng hầu hết các đơn vị, các doanh nghiệp đều bày tỏ không muốn bỏ qua cơ hội kết nối giao thương này. Do đó, Ban tổ chức đã tổ chức hội chợ giao thương với cả hai hình thức, trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với các doanh nghiệp tại Thái-lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Qua các chương trình này, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Đàm Tiến Thắng, trong phát triển công nghiệp, CNHT góp phần quyết định hiệu quả, chất lượng và giá thành của sản phẩm. Việc phát triển các ngành CNHT một cách hợp lý, cân đối trong bối cảnh toàn cầu hóa sẽ tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, hình thành mạng lưới sản xuất với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp tại Hà Nội và các địa phương trong cả nước. Phát triển CNHT là giải pháp đột phá nhằm tạo động lực cho các ngành công nghiệp TP Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về CNHT như điện - điện tử, lắp ráp ô-tô, xe máy; cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp công nghệ cao. Chín tháng năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, song ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng trưởng 4%. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ (cung cấp linh kiện, phụ tùng, vật liệu…) cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như ô-tô, xe máy, điện - điện tử... đóng vai trò hết sức quan trọng. Hiện, CNHT của thành phố đang tập trung vào ba lĩnh vực: Sản xuất linh kiện, phụ tùng (bao gồm linh kiện điện - điện tử, linh kiện lắp ráp ô-tô và linh kiện cơ khí chế tạo); phục vụ ngành dệt may, da giày; phục vụ công nghiệp công nghệ cao.

Để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội của ngành CNHT, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Hà Nội, Bùi Minh Hải cho rằng: Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, tài chính, công nghệ để sẵn sàng đón đầu các làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này trên địa bàn, từ đó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. CNHT là ngành cung ứng các sản phẩm, linh kiện để lắp ráp vào một sản phẩm hoàn chỉnh nên cần độ chính xác, chất lượng cao. Đại diện Công ty CP Sản xuất và Phát triển công nghiệp Việt Nam Indema cũng cho rằng, doanh nghiệp phải tự vận hành, tìm hiểu, đổi mới quy trình để đáp ứng những yêu cầu rất tỉ mỉ, cụ thể về chất lượng của khách hàng. Bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ nhất, đơn giản nhất để đối tác tin tưởng, dần dần tiến tới các hợp đồng, đơn hàng lớn, các sản phẩm phức tạp hơn. Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong các cơ quan quản lý đánh giá đúng tầm quan trọng của ngành CNHT, được tiếp cận các thông tin về đầu tư, chính sách, chương trình hỗ trợ đầy đủ từ Chính phủ, thành phố cũng như các hiệp hội, nhất là các chương trình xúc tiến giao thương, đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ…

Ngày 5-5-2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND về Chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội năm 2020, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1.000 doanh nghiệp CNHT, trong đó 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu; giá trị sản xuất của CNHT chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo. Hà Nội sẽ tăng cường thu hút các doanh nghiệp CNHT vào Khu CNHT Nam Hà Nội và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội, khu công nghiệp sạch tại Sóc Sơn và Đông Anh… Định hướng trong 5 năm tới, thành phố sẽ hình thành mạng lưới CNHT với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trên cả nước.

NGUYÊN TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/tao-cu-huych-cho-nganh-cong-nghiep-ho-tro-622483/