Tạo cú hích phát triển nông nghiệp

Để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế quốc dân và tạo động lực tái cơ cấu nền kinh tế, cần có hành lang chính sách thông thoáng để doanh nghiệp nông nghiệp có cơ hội phát triển. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia khi đề cập đến vấn đề làm sao để nông nghiệp phát triển bền vững.

Đầu tư nông nghiệp còn khiêm tốn

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), hiện nay cả nước có hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Trong số này doanh nghiệp trực tiếp sản xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% với số lượng 7.600 doanh nghiệp, còn lại là các doanh nghiệp trong chuỗi ngành liên quan đến nông nghiệp như chế biến hàng, cung cấp nguyên liệu đầu vào, dịch vụ thương mại...

Vấn đề về đất đai hiện nay đang là điểm nghẽn lớn cho doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể, chính sách về đất đai hiện nay còn nhiều bất cập. Vì thế, cần thay đổi một số điều khoản trong Luật Đất đai. Thí dụ, các doanh nghiệp thuê đất để sản xuất nông nghiệp có thời gian từ 30 năm trở lên nên được cấp sổ đỏ hoặc có cơ chế chính sách rõ ràng hơn.

TS. TRẦN DU LỊCH

Khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp tư nhân, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xét theo quy mô lao động, 96% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Thêm vào đó, nguồn vốn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 8-10% tổng nguồn vốn của toàn khu vực doanh nghiệp. Trong đó, vốn của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất chỉ khoảng 1%.

Theo Bộ KH-ĐT, hiện nay doanh nghiệp nông nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất, khó tiếp cận tín dụng, thị trường tiêu thụ không bền vững... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp phải đối mặt với những hạn chế trong việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; quy hoạch sử dụng đất chất lượng thấp, thường xuyên thay đổi dẫn đến người sử dụng đất không yên tâm đầu tư vì sợ Nhà nước thu hồi bất cứ khi nào.

Hơn nữa, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy định quá chặt chẽ, không phù hợp với cơ chế thị trường, khi muốn thay đổi cơ cấu cây trồng trên đất của mình, người sử dụng đất phải xin phép chính quyền, vừa mất chi phí vừa mất thời gian và thời cơ kinh doanh.

Thực tế, thời gian qua Nhà nước đã dành những diện tích lớn đất tại khu vực đồng bằng để gieo trồng cây lương thực chính của nước ta là lúa gạo. Tuy nhiên, chính sách lúa gạo đã dẫn đến việc Việt Nam vượt xa các chỉ tiêu đề ra về an ninh lương thực, tạo ra nguồn thặng dư khổng lồ cho xuất khẩu, trong khi kim ngạch xuất khẩu lúa gạo chỉ mang lại nguồn thu nhỏ cho nông dân và cho đất nước.

Do đó, để thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, theo Bộ KH-ĐT cần cắt giảm 40-50% thủ tục hành chính hiện hành, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp một cách nghiêm túc và thực chất. Đồng thời, các cơ quan liên quan cần rà soát, tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm.

Cơ chế, chính sách đòn bẩy
Một số chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng nếu muốn nền nông nghiệp Việt Nam thực sự cất cánh và đủ sức cạnh tranh trong thời đại hội nhập, đòi hỏi các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước cần phải nỗ lực hơn nữa trong phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp cận công nghệ, chú ý xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến lĩnh vực sản xuất và phát triển nông nghiệp bằng cách gỡ bỏ những rào cản về chính sách, tạo hành lang pháp lý thông thoáng đối với ngành.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết một trong những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp trong hiệp hội gặp phải là về vốn. Trước kia, vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp phải chịu lãi suất 24%/năm, nay giảm xuống còn 11%/năm, nhưng đó vẫn còn là mức cao.

Trong khi ở Trung Quốc, lãi suất vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp chỉ 5%, nếu doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài lãi suất vốn vay chỉ còn 3%, điều đó tạo thuận lợi cơ bản cho các doanh nghiệp nước này khi đầu tư ra bên ngoài. Trong khi đó, ở Việt Nam, các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nông nghiệp có đặc thù là thời gian đầu tư khá dài, nhiều rủi ro và thu hồi vốn chậm, nên việc tính lãi suất ngay sau khi vay của ngân hàng hiện nay sẽ tạo áp lực và khó khăn cho doanh nghiệp mới bắt đầu đầu tư.

Từ bất cập trên, các chuyên gia kinh kế, kiến nghị Nhà nước cần có chính sách ân hạn đối với các doanh nghiệp vay vốn đầu tư cho nông nghiệp, có như vậy mới thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm và đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng hiện nay các doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nông nghệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là quy hoạch các vùng nguyên liệu chưa được triển khai hiệu quả, còn thiếu sự ổn định.

Bên cạnh đó, quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng hóa quy mô lớn của doanh nghiệp; việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư thông qua việc nhận quyền sử dụng đất, thuê đất trực tiếp trên thị trường để tổ chức sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do chưa có sự đồng thuận của người sử dụng đất.

“Hiện nay, nông nghiệp của chúng ta tăng trưởng thiếu bền vững. Đối với hộ nông dân, hợp tác xã chưa phát huy được để liên kết các hộ nông dân. Chúng ta cũng thiếu doanh nghiệp có tiềm lực và chưa có sự chủ động. Chính sách về đất đai còn bất cập như hạn điền thường không vượt ngưỡng so với quy định. Do đó cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt phải chú ý đến các cơ chế hỗ trợ” - ông Tiến nhấn mạnh.

Lưu Thủy

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chu-diem-su-kien/tao-cu-hich-phat-trien-nong-nghiep-61111.html