Tạo 'cú đấm thép' để phát triển cơ giới hóa và chế biến nông sản

Sáng 21/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điểm cầu Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt điều hành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phía đầu cầu Hà Nội (ảnh: Chinhphu.vn).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phía đầu cầu Hà Nội (ảnh: Chinhphu.vn).

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá kết quả sau 10 năm công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp ở nước ta có những bước phát triển đáng kể.

Điểm cầu Hà Tĩnh

Trong đó, lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản có sự phát triển đột phá, góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp; từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp tiến lên nền nông nghiệp phát triển đa dạng theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, phục vụ xuất khẩu. Một số ngành hàng chế biến chủ lực: lúa gạo, rau quả, cà phê, cao su, điều, gỗ, thủy sản tăng trưởng tốt.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn.

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8 - 10%/năm, năm 2019 đạt mức 41,3 tỷ USD. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 186 nước và vùng lãnh thổ, kể cả thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản,..

Công nghiệp chế biến nông sản góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/tháng; góp phần quan trọng cho xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.

Nhà máy Chế biến gạo (công suất 20.000 tấn/năm) của Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh.

Về phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, nhìn chung, trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2019 so với năm 2011 số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%. Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/1 ha canh tác.

Mức độ cơ giới hóa một số khâu trong nông nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản.

Cơ giới hóa nông nghiệp ở Hà Tĩnh ngày càng phát triển, chiếm 90% giải quyết sức lao động cho người nông dân.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra một số tồn tại trong công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay. Trong đó, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm mùa vụ như rau quả, gây tổn thất sau thu hoạch (khoảng 10 – 20%). Ngoài ra, chính sách của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn đề doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản; trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn thấp...

Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp; trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ. Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho máy động lực, máy canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam đưa công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản Việt Nam “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, bởi vậy chúng ta phải có chính sách tạo “cú đấm thép” để tháo gỡ vướng mắc phát triển cơ giới hóa và chế biến nông sản.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm gắn với tìm kiếm, mở rộng thị trường. Về tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp nhìn vào thực tế còn rất thấp so với khu vực, cần phải đẩy mạnh.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đưa ra hướng chính sách tín dụng cho sản xuất nông nghiệp theo hướng kéo dài thời hạn cho vay; đồng thời với kích thích đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy xây dựng thương hiệu gắn với quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, quy trình khép kín theo chuỗi liên kết; quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu, nhất là nguồn nhân lực quản lý giỏi.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh: Chế biến nông sản và cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh đã có những lĩnh vực đáng ghi nhận như: Chè, gạo... Tuy nhiên, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan cần quan tâm hỗ trợ tối đa nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Hữu Trung

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nong-nghiep/tao-cu-dam-thep-de-phat-trien-co-gioi-hoa-va-che-bien-nong-san/187531.htm