Tạo công ăn việc làm từ... rác cho lao động yếu thế

Một số người nghĩ chị Trịnh Thị Hồng (P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là điên khi sản xuất các chế phẩm sinh học từ rác. Nhưng đến nay, sản phẩm của chị đã có mặt tại 40 tỉnh, thành phố.

Chị Trịnh Thị Hồng hướng dẫn quy trình sản xuất chế phẩm sinh học từ rác cho Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hội An (Quảng Nam).

Chị Trịnh Thị Hồng hướng dẫn quy trình sản xuất chế phẩm sinh học từ rác cho Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hội An (Quảng Nam).

Đã có nhà đầu tư của Pháp đặt vấn đề kêu gọi vốn phát triển quy mô hơn. Câu chuyện khởi nghiệp của chị là nguồn cảm hứng cho những startup.

1 trong 8 dự án đầu tiên tại Vườn ươm Doanh nghiệp

Năm 2012, ý tưởng biến rác thải thành “một thứ gì đấy có thể sử dụng được” được chị Trịnh Thị Hồng ấp ủ có cơ hội trở thành hiện thực khi chị được tham dự hội thảo về phát triển cộng đồng nghèo châu Á tại Philippines. Tại hội thảo, chị Hồng chú ý đến nội dung thuyết trình về phương pháp ủ rác thải thực vật để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường. Nghĩ là làm, chị tự nghiên cứu các tài liệu liên quan đến công nghệ Enzyme, mua các dụng cụ ủ rồi tự đi nhặt nhạnh, xin lại trái cây bị dập tại các sạp trái cây ở chợ hay phần đầu thừa đuôi thẹo bị gọt bỏ, hoa héo, phần rau già… rồi mày mò tự ủ, lọc, chiết.

“Khi bắt tay vào làm thì mới thấy là mình thiếu đủ thứ, từ kinh nghiệm, kiến thức cho đến niềm tin, sự ủng hộ của những người thân. Chồng mình và các con không nghĩ là mình sẽ làm thành công, hàng xóm có người còn xì xào mình bị khùng khi thấy suốt ngày cứ lúi húi nhặt nhạnh ở mấy cái đống rác. Cũng phải mất gần 3 năm trời mình mới tìm ra công thức hợp lý khi ủ và cả chất hữu cơ tạo độ đông đặc cho sản phẩm” – chị Hồng cho biết.

Công thức làm nước rửa chén sinh học của chị Trịnh Thị Hồng nghe có vẻ rất đơn giản. Chỉ cần khoảng 3kg rau, củ quả, hoa… hư hỏng được cắt ngắn, rửa sạch trộn với khoảng 3 gram đường hòa tan trong 10 lít nước, ủ kín trong 30 ngày sẽ thu được 10 lít sản phẩm thô. Cứ 10 lít dung dịch thô thì sẽ cho được 2 lít thành phẩm.

Ban đầu, sản phẩm thô vẫn còn nhiều hạn chế như còn cặn bã, chưa tạo được màu và mùi nên chưa bắt mắt. Chị Hồng lại tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để cái tiến sản phẩm. Dung dịch thô được lọc, chiết nhiều lần rồi trộn với chất hữu cơ chiết xuất từ dừa để tạo độ sánh, đặc và tạo bọt cho sản phẩm. Phải mất khoảng 200 triệu đồng cho nhiều lần thử nghiệm rồi thất bại, chị Hồng mới cho ra được một sản phẩm đúng như ý muốn.

Các sản phẩm của chị bắt đầu được tiêu thụ theo kiểu truyền miệng. Nhưng rồi người phụ nữ mê rác lại bắt đầu nghĩ lớn hơn: Xây dựng thương hiệu riêng để tạo công ăn việc làm cho những lao động yếu thế trong khu dân cư đang sống. Để có được giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cũng là một quá trình gian nan.

Năm 2016, dự án của chị được tuyển chọn là 1 trong 8 dự án đầu tiên được ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng.

Chị Trịnh Thị Hồng.

Đứa trẻ mồ côi không quên nghèo khó

Hầu như trong các diễn đàn khởi nghiệp ở Đà Nẵng, chị Trịnh Thị Hồng đều tích cực tham gia. Dù giờ chị đã là một startup thành công với một công ty TNHH tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 90 lao động, chủ yếu là những hộ gia đình nghèo.

Đến nay, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Minh Hồng có gần 140 hộ sản xuất vệ tinh. Đây là những hộ nghèo trên địa bàn phường Hòa Minh đã được tham gia tập huấn miễn phí quy trình sản xuất chế phẩm do chị Hồng tổ chức. Để giúp đỡ cho nhiều người, chị Hồng đặt hàng và nhận bao tiêu mỗi hộ 2.000 lít chế phẩm thô. Thu nhập từ việc làm bán thời gian của mỗi hộ từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Chị Huỳnh Lệ cho biết: “Được chị Hồng hướng dẫn cho cách làm, tôi đầu tư một ít thùng nhựa rồi phân loại rác thải trong gia đình để ủ. Rồi mình chịu khó đi gom củ quả dập, đầu thừa đuôi thẹo, phần rau già… ở các sạp hàng từ các chợ… để làm chế phẩm thô bán cho Công ty Minh Hồng. Không phải đầu tư vốn gì nhiều, thu nhập của gia đình tôi cũng được cải thiện đáng kể”.

Chị Hồng còn tổ chức nhiều buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh như Hưng Yên, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hội An (Quảng Nam)... Đây là cách mà theo như chị Hồng, chỉ muốn chia sẻ câu chuyện của mình như là một cách để chị em thoát nghèo bền vững.

Mỗi tháng, cơ sở của chị Hồng sản xuất khoảng 60.000 lít thành phẩm cho cả ba dòng sản phẩm nước rửa chén, nước lau nhà và nước giặt sinh học. Từng được nhiều nhà đầu tư tìm đến đặt vấn đề mua bản quyền sáng chế, thậm chí con số thương thảo bản quyền lên đến 5 tỷ đồng nhưng chị Trịnh Thị Hồng vẫn từ chối, cho dù duy trì công ty thì chị thực sự vất vả khi vừa tuyển chọn, hướng dẫn các hộ sản xuất dung dịch thô vừa tìm kiếm đầu ra, phát triển thị trường…

Ngoài duy trì và phát triển công ty tái chế sản phẩm sinh học từ rác thải góp phần tạo thu nhập ổn định cho các hộ nghèo, chị Hồng còn đảm nhiệm công việc của Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu. Đều đặn tham gia các chương trình từ thiện bữa cơm cho bệnh nhân tâm thần, học bổng cho học sinh nghèo… như là cách chị tri ân với những gì tốt đẹp mà một đứa trẻ sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ là mình nhận được.

Cứ thế, người phụ nữ bé nhỏ ấy vượt qua những nỗi đau bệnh tật của bản thân, để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/tao-cong-an-viec-lam-tu-rac-cho-lao-dong-yeu-the-0i9XrawGg.html