Tạo cơ sở nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

An ninh biên giới quốc gia gắn liền với chủ quyền lãnh thổ và an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu do lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, chủ trì tổ chức thực hiện. Vì vậy, quy định BĐBP chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật là cần thiết.

Báo cáo trước QH, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH thay mặt UBTVQH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Trong báo cáo đã đề cập và làm rõ 14 nội dung có liên quan đến dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, bao gồm vấn đề tên gọi, khái niệm “Biên phòng” và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân về biên phòng; vấn đề phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; vị trí, chức năng của BĐBP; về nhiệm vụ của BĐBP; quyền hạn của BĐBP; về hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới (KVBG), qua lại biên giới; về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới; về bảo đảm về biên phòng và chế độ, chính sách về biên phòng; về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; về trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp.

Báo cáo của UBTVQH đã phân tích vấn đề hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là một thể thống nhất, bao gồm biên giới quốc gia trên bộ, trên biển, trên không và trong lòng đất. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội ở KVBG phải liên hoàn, mang tính tổng thể, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại KVBG, có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó, cần thiết phải quy định một lực lượng làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách, chủ trì đảm đương nhiệm vụ. Vậy nên, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật, không chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng khác hoạt động ở KVBG và cửa khẩu. Thực tế cho thấy, giữa BĐBP và các cơ quan, tổ chức đã và đang phối hợp có hiệu quả, không có khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ này.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Quốc hội

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Quốc hội

Trong chương trình nghị sự ngày làm việc thứ 2 (21-10) của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội (QH) đã dành thời gian thảo luận một số vấn đề có liên quan đến dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch QH chủ trì phiên thảo luận.

Qua thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH và cho rằng dự thảo Luật đã được nghiêm túc chỉnh lý, hoàn thiện, tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu QH. Về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật được rà soát, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; nhiều nội dung đã được chỉnh sửa theo góp ý của đại biểu QH. Các quy định của dự thảo Luật đã bám sát chủ trương, chính sách lớn, tạo cơ sở nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; xây dựng lực lượng BĐBP ngày càng lớn mạnh, phù hợp với tình hình mới. Các nội dung cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi.

Các đại biểu cũng đã tập trung phát biểu làm rõ thêm nhiều quy định như về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, vai trò của nhân dân và các lực lượng trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; về phối hợp trong triển khai nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng. Làm rõ các quy định về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, chế độ, chính sách; trang bị của lực lượng BĐBP để thể hiện đúng với tính chất, vai trò của lực lượng này là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; chủ trì, phối hợp với cơ quan tổ chức, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cần làm rõ cơ chế phối hợp trong thực hiện chức năng, chức trách của BĐBP với các lực lượng khác ở khu vực biên giới. Rà soát các quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác biên phòng.

Ngoài ra, các ý kiến còn tham gia góp ý cụ thể về kỹ thuật văn bản, từ ngữ, bố cục các chương, điều của dự thảo Luật.

Theo đó, đối với vấn đề dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu đều có chung quan điểm, trải qua quá trình chiến đấu và trưởng thành, BĐBP luôn được xác định là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở KVBG. Vấn đề, duy trì an ninh trật tự ở KVBG có nhiều lực lượng tham gia và liên quan đến lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng. Vậy nên, cần có một lực lượng chủ trì để huy động các lực lượng tham gia duy trì an ninh trật tự ở KVBG, cửa khẩu một cách hiệu quả.

Phân tích làm rõ hơn vấn đề này, tại khoản 2 Điều 12, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn đại biểu QH tỉnh Quảng Bình bày tỏ đồng tình với nội dung BĐBP chủ trì, duy trì an ninh, trật tự, an toàn khu vực biên giới. Nghị quyết số 33 -NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định, xây dựng lực lượng toàn dân, bảo vệ biên giới rộng khắp, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách. Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Thực tế, BĐBP là nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới, thường xuyên nắm bắt, phát hiện nhiều tổ chức gián điệp, biệt kích, phản động, dập tắt các vụ gây rối, gây bạo loạn trong vùng dân tộc, tôn giáo ở khu vực biên giới. Điều tra phát hiện, xác lập hàng ngàn chuyên án, đấu tranh có hiệu quả với các tội phạm về ma túy; các đường dây xuất, nhập cảnh trái phép; chuyển giao tài liệu ra nước ngoài; mua bán phụ nữ, trẻ em; vận chuyển, lưu hành tiền giả, chống buôn lậu; truyền đạo trái phép trong vùng dân tộc...

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Giàng Thị Bình, Đoàn đại biểu QH tỉnh Lào Cai phân tích thêm: Qua thực tiễn công tác tại các tỉnh biên giới, tôi nhận thức rằng quy định như dự thảo Luật đã cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng BĐBP và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan. An ninh biên giới quốc gia gắn liền với chủ quyền lãnh thổ và an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu do lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, chủ trì tổ chức thực hiện. Vì vậy, quy định BĐBP chủ trì, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật là cần thiết.

Phát biểu trước QH, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã thay mặt cơ quan trình dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam cảm ơn các ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm của các đại biểu QH. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã làm rõ thêm vấn đề BĐBP chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã làm rõ vấn đề trên bằng 3 luận điểm từ cơ sở lý luận, thực tiễn có liên quan đến vấn đề thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kế thừa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành; thực tiễn xây dựng chiến đấu của lực lượng BĐBP; sự thống nhất của các nhà khoa học, chuyên gia, sự nhất trí với dự thảo Luật của UBTVQH. Quá trình xin ý kiến các Đoàn đại biểu QH, các cơ quan của QH, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với nội dung dự thảo Luật…

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để phối hợp với các cơ quan của QH chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đảm bảo chất lượng trình QH thông qua.

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tao-co-so-nen-tang-phap-ly-chat-che-cho-cong-tac-xay-dung-quan-ly-bao-ve-chu-quyen-lanh-tho-an-ninh-bien-gioi-quoc-gia-post434337.html