Tạo cơ chế thuận lợi cho xã hội hóa giáo dục

Sau nhiều ngày chờ đợi, các cơ sở giáo dục công lập trong cả nước cũng nhận tin vui khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT (Thông tư 16) quy định việc tài trợ cho các cơ sở trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thông tư đã mở ra cơ chế và tạo hành lang cho các nhà trường được chủ động kêu gọi, sử dụng nguồn lực tài chính, vật chất từ xã hội hóa đóng góp cho giáo dục theo đúng quy định.

Từ trước đến nay, việc huy động nguồn lực này cho các trường chưa được quy định mang tính pháp lý. Vì vậy, những hoạt động quyên góp, ủng hộ thường là vấn đề khá nhạy cảm đối với các cơ sở giáo dục. Thực hiện đúng thì không huy động được nguồn lực, làm quá tay thì bị đánh giá là lạm thu. Thậm chí có nhà giáo tâm huyết tìm cách xé rào vì lợi ích chung của nhà trường đã bị kỷ luật. Do đó, các nguồn lực từ xã hội đầu tư cho giáo dục chưa được phát huy một cách hiệu quả.

Lâu nay, nhiều người dân có điều kiện mong muốn được ủng hộ những cơ sở giáo dục chưa hẳn đã được thỏa tâm nguyện vì tấm lòng của họ thường được các nhà trường tiếp nhận một cách dè dặt vì không có cơ chế khuyến khích. Mặt khác, nhiều người có tâm cũng còn băn khoăn khi những đóng góp của mình liệu có được sử dụng một cách thiết thực, đúng mục đích hay không. Thế nên, những quy định cụ thể trong Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT về việc huy động cũng như sử dụng nguồn huy động xã hội hóa đã phần nào thỏa mãn được mong đợi của nhiều mạnh thường quân.

Thế nhưng, khi có cơ chế được coi là cởi nút thắt cho việc huy động xã hội hóa giáo dục, nhiều người lại đặt ra những băn khoăn mới về chế tài kiểm soát hoạt động này. Vì tình trạng biến tướng trong thu chi các loại quỹ đầu năm học cũng đã xuất hiện ở nhiều cơ sở giáo dục thời gian qua. Do đó, bên cạnh những quy định cụ thể trong Thông tư 16, đa phần phụ huynh và các nhà trường cũng mong muốn phải có thêm các chế tài xử lý nếu vi phạm.

Trong khi nhiều cơ sở giáo dục vẫn còn khó khăn, việc huy động các nguồn xã hội hóa không chỉ khuyến khích các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, doanh nhân và mọi gia đình cùng chăm lo cho sự nghiệp "trồng người", mà việc làm này còn thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong hoạt động giáo dục. Điều quan trọng vẫn là cái tâm của những người đứng đầu điều phối, sử dụng nguồn lực xã hội hóa cũng như chính người đóng góp cho các cơ sở giáo dục. Các nguồn thu phải được công khai, minh bạch hóa trên hệ thống thông tin của nhà trường cũng như thông tin rộng rãi đến phụ huynh học sinh và các nhà tài trợ. Nguồn huy động phải được sử dụng đúng chỗ, đúng mục đích, phù hợp với quy định. Nếu như không sử dụng hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng biến tướng. Ngược lại, nếu không thận trọng khi tiếp nhận các nguồn ủng hộ này một cách hài hòa sẽ khiến nhà trường dễ bị phụ huynh hay một số mạnh thường quân chi phối đến hoạt động dạy và học. Điều đó xảy ra sẽ tác động không tốt tới chất lượng giáo dục của nhà trường.

TUỆ ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/tao-co-che-thuan-loi-cho-xa-hoi-hoa-giao-duc-549681