Tạo cơ chế mở, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thực hiện cơ chế mở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đã, đang và tiếp tục là chủ trương nhất quán mà Cao Bằng quyết liệt thực hiện để tạo 'đòn bẩy', đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó, du lịch, nông lâm nghiệp và kinh tế cửa khẩu được xác định là 3 trọng tâm ưu tiên được Cao Bằng ưu đãi kêu gọi đầu tư.

Những giải pháp đột phá

Là tỉnh miền núi, vị trí địa lý không mấy thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế..., vì thế, để có thể thu hút nhiều các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến với dải đất miền đông bắc này, Cao Bằng hiểu rằng không còn cách nào khác là phải quyết liệt tìm kiếm những giải pháp đột phá để tạo cho Cao Bằng một môi trường đầu tư giàu sức hấp dẫn riêng. Và trên thực tế, Cao Bằng đã “nói được làm được”, biến quyết tâm thành hiện thực.

Một trong “những việc cần làm ngay” trong những giải pháp đột phá mà Cao Bằng thực hiện để đón chào các nhà đầu tư là phát triển hạ tầng giao thông - một trong những điểm yếu nhất của tỉnh miền núi này. Từ nhận thức đó, Cao Bằng đã ban hành Chương trình số 09-CTr/TU về phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 – 2020, trong đó xác định xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ, phù hợp, chất lượng ngày càng cao đáp ứng nhu cầu vận tải của tỉnh cũng như nhu cầu vận tải quốc tế thông qua tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất, lưu thông hàng hóa của nhân dân; phục vụ giao thương trong nước và quốc tế. Một trong những điểm nhấn của Chương trình 09, đó là phấn đấu thực hiện được những bước đi đầu tiên trong việc đầu tư, xây dựng tuyến đường cao tốc nối Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) với Đồng Đăng (Lạng Sơn) và tích cực đề xuất bổ sung vào Quy hoạch đường bộ cao tốc đoạn từ Chợ Mới (Bắc Kạn) đến Tà Lùng (Cao Bằng). Nếu thành công sẽ sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc với các tỉnh lân cận Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội đi Hải Phòng; các tỉnh phía Nam Việt Nam kết nối với các tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội, kết nối với tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam. Xa hơn là hình thành tuyến vận tải hướng Nam kết nối ASEAN đi Quảng Tây, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu (Trung Quốc) sang Trung Á và châu Âu.

Thủy điện Bảo Lâm 3.

Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Cao Bằng đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá trong công tác quản lý nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh. Đáng kể nhất là việc tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2017 - 2020”. Trong đề án này, tỉnh Cao Bằng đã phân công các sở, ngành trực tiếp làm đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc và tổ chức thực hiện để nâng cao các chỉ số thành phần, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho DN. Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, công khai, minh bạch thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ cho DN; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động các nguồn lực của địa phương để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… Hiện, tỉnh đã cấp 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 2; 970/1.466 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (đạt 66,17%); rút ngắn thời gian thành lập DN, thời gian thay đổi nội dung đăng ký của DN xuống còn 2 ngày; giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu còn 4 ngày... Bên cạnh đó, khi đầu tư vào Cao Bằng, sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Bên cạnh đó, xác định nông nghiệp (cùng với kinh tế cửa khẩu và du lịch) là một trong 3 mảng khuyến khích đầu tư trọng yếu nhất của tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt Đề án “Tìm kiếm thị trường tiêu thụ nội địa và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa của Cao Bằng” đặc biệt là các sản phẩm từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp giai đoạn 2017-2020 nhằm phát huy “liên kết 4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đang nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi đặc thù, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào khu du lịch thác Bản Giốc.

Quả ngọt mùa đầu

“Gái có công, chồng chẳng phụ”. Những nỗ lực thu hút đầu tư bền bỉ và quyết liệt của Cao Bằng đến nay đã giành được những thành quả bước đầu. Môi trường đầu tư kinh doanh của Cao Bằng đã có những chuyển biến tích cực. Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số PCI năm 2017 của Cao Bằng xếp thứ 58/63 (tăng 5 bậc so với năm 2016). Trong đó, các chỉ số tăng điểm cao nhất là dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, cạnh tranh bình đẳng và đào tạo lao động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 268 dự án với tổng số vốn đăng ký 40.715,72 tỷ đồng, trong đó có 13 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 1.110,25 tỷ đồng (trong đó, 9 tháng đầu năm 2018 đã cấp chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án với tổng số vốn đăng ký là 2.037,258 tỷ đồng).

Riêng trong năm 2017 doanh thu của các dự án đi vào hoạt động đạt trên 2.541 tỷ đồng và trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu đạt trên 1.626 tỷ đồng. Nhiều dự án đi vào hoạt động đã có doanh thu lớn như: dự án Khu liên hợp gang thép của Công ty Cổ phần gang thép Cao Bằng; dự án Thủy điện Bảo Lâm 1 của Công ty Cổ phần xây lắp điện 1; dự án Thủy điện Bảo Lâm 3. Bên cạnh đó, các dự án triển khai, đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động như dự án Đầu tư khai thác mỏ thiếc sa khoáng Nậm Kép của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng; dự án của Công ty Cổ phần gang thép Cao Bằng... Một số dự án có doanh thu và nộp ngân sách lớn cho tỉnh như dự án Khu liên hợp gang thép trong năm 2017 đã đóng góp cho ngân sách của tỉnh là 74,43 tỷ đồng...

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh kiểm tra Nhà máy Thủy điện Mông Ân.

Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư đi đôi với cải thiện môi trường đầu tư

Những thành công đã đạt được là rất đáng tự hào nhưng Cao Bằng hiểu rằng đó mới chỉ là “quả ngọt mùa đầu”. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, để giành được những kết quả ấn tượng hơn nữa, Cao Bằng xác định rõ, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Cao Bằng tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư dựa trên các yếu tố bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư đi đôi với cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm mà tỉnh có lợi thế như: Nông, lâm nghiệp, thủy sản; du lịch - dịch vụ; công nghiệp sạch, công nghệ cao. Đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông theo hướng đồng bộ, có tính liên kết cao giữa các vùng trong tỉnh, các tỉnh trong khu vực, trong đó ưu tiên các tuyến đường huyết mạch để phát huy lợi thế, thu hút đầu tư; Duy trì gặp gỡ, đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm trợ giúp và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm…

Trước mắt, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Cao Bằng, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới, Cao Bằng xác định phải đẩy mạnh thực hiện hàng loạt giải pháp như: Triển khai thực hiện luật quy hoạch năm 2017, loại bỏ các quy hoạch không còn phù hợp để mở rộng diện được đầu tư kinh doanh của người dân, thực hiện thống nhất các quy định của Luật đầu tư; Hoàn chỉnh và công bố rộng rãi quy hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư; Nâng cao năng lực của tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư, giải quyết nhanh, đơn giản các thủ tục đầu tư, tránh gây phiền hà, nhũng nhiều tiêu cực đối với nhà đầu tư…; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết…; Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục quan tâm công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...

Đặc biệt, ngày 24/11/2018, trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện văn hóa đặc biệt (diễn ra từ 23-28/11), Cao Bằng tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018”. Đây là cơ hội để Cao Bằng giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về lĩnh vực thương mại và du lịch, nhất là tiềm năng của Khu kinh tế cửa khẩu, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; công bố các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư, thông tin các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của tỉnh đến các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo diễn đàn để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi thông tin về môi trường đầu tư, liên kết hợp tác đầu tư, thống nhất các giải pháp phù hợp phục vụ thu hút, quyết định lựa chọn đầu tư vào tỉnh…

Thành Vinh – Đắc Nguyên – Trần Quốc

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/tao-co-che-mo-nang-cao-hieu-qua-thu-hut-dau-tu-49369