Tạo cơ chế để cán bộ sáng tạo

Tình trạng chung của các cơ quan hành chính ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là cán bộ, công chức dù rất muốn đổi mới, sáng tạo nhưng các quy định hành chính lại chồng chéo, làm đúng luật này nhưng lại sai ở luật khác. Câu chuyện này lại được đặt ra trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh đang thực hiện quy định chấm điểm đánh giá cán bộ, công chức, trong nỗ lực cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Các bất cập được chính các lãnh đạo khối chính quyền, sở ngành tại TP HCM nhìn nhận khi đánh giá về công tác cải cách hành chính (CCHC) ở địa phương này. Thế nhưng đây không phải là câu chuyện riêng của TP HCM, bởi tồn tại từ các cơ chế cũ. Các thủ tục hành chính đang có sự chồng chéo, xung đột với nhau do vấn đề cơ chế. Đó là ở nhiều lĩnh vực thuộc trách nhiệm giao cho UBND TP, sở ngành nhưng nguyên tắc lại thuộc thẩm quyền quyết định của Trung ương, từ đó dẫn đến cơ chế “xin - cho” tồn tại nhiều năm qua. Có khảo sát còn liệt kê ra tới 37 luật chồng nhau ở lĩnh vực kinh tế nên khi triển khai vào thực tế rất khó, có thể làm đúng luật này nhưng lại sai luật kia. Điều này khiến cán bộ, công chức làm việc gặp nhiều áp lực dù lãnh đạo cấp trên luôn đòi hỏi cấp dưới phải sáng tạo.

Bên cạnh vấn đề xây dựng cơ chế, vấn đề năng lực, đạo đức của cán bộ, công chức cũng được dư luận quan tâm suốt một thời gian dài. Ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vẫn để xảy ra tình trạng công chức, viên chức có hành vi làm khó người đến giải quyết thủ tục hành chính, trong khi lãnh đạo trực tiếp quản lý những cán bộ này thì lại có biểu hiện bao che hoặc “giơ cao đánh khẽ” trong xử lý. Do những tồn tại trên, có thời điểm UBND TP HCM phải ra một yêu cầu đối với các cơ quan công quyền trong việc siết chặt kỷ luật, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Trong đó, các cán bộ làm việc tại vị trí mang tính chất nhạy cảm, phức tạp bị đề nghị định kỳ luân chuyển, thay đổi địa bàn làm việc. Và, khi xác định cán bộ, công chức có lỗi, các cơ quan quản lý trực tiếp phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo quy định.

Dù đã thể hiện sự quyết tâm từ cấp thành phố, sở ngành đến từng quận, huyện, thế nhưng chính Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khi đánh giá về công tác CCHC của thành phố này, vẫn phải thừa nhận rằng, các kết quả về CCHC của thành phố còn khiêm tốn và nhiều khâu chưa đạt yêu cầu. Chẳng hạn, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP nêu báo cáo dẫn chứng về sự hài lòng của doanh nghiệp nhưng thực tế không ít DN thuộc khối FDI vẫn chưa hài lòng. Đây cũng chính là điểm nghẽn khiến thời gian qua công tác CCHC của TP HCM không phát huy được nguồn lực của người dân, DN.

Chúng ta từng nhớ rằng, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò các thế hệ lãnh đạo kế cận rất cụ thể, tỷ mỷ về công tác cán bộ. Trong đó, Người yêu cầu muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng. Muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu. Từ việc thấm nhuần lời dạy của Người, vai trò của người đứng đầu đóng góp một vai trò rất quan trọng để nêu gương. Thế nhưng, thực tế còn chênh rất nhiều khi chính nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo phải thừa nhận rằng, thực tế còn có cán bộ, công chức còn không dám sáng tạo vì lo sợ thanh tra, kiểm tra và sơ sảy bị kết luận là cố ý làm trái. Chính sự xung đột giữa pháp lý và sự năng động, sáng tạo của từng cán bộ, tạo ra nặng nề về tư duy đối với cán bộ, công chức. Thế nhưng, vai trò của người đứng đầu lại không được thể hiện, không trở thành “bà đỡ” cho cán bộ, công chức có điểm tựa để sáng tạo.

Trong nỗ lực cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, mới đây, để sửa đổi lối làm việc này thì UBND TP HCM ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số quy định đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố. Quy định giúp cho người đứng đầu có thể đánh giá tốt hơn cán bộ, công chức thuộc cơ quan/tổ chức mình, cũng làm cơ sở để chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết của HĐND TP trước đó. Điểm mới là TP HCM muốn đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức bằng các tiêu chí có thể định lượng, nhưng nếu ai bị kỷ luật trong quý, trong tháng thì chắc chắn được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Thẩm quyền đánh giá, xem xét cán bộ, công chức, viên chức thuộc về người đứng đầu, từ đó có cơ sở giải quyết chi thu nhập tăng thêm. Bên cạnh đó, để đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cán bộ, công chức phải có tỷ lệ hài lòng của người dân và DN đạt từ 80% trở lên.

Quá trình tháo gỡ cơ chế cũ bằng các mô hình thí điểm mới đang tạo ra những kỳ vọng rất lớn để cải cách mạnh mẽ công tác cán bộ, thực thi công vụ của cán bộ, công chức hiện nay ở TP HCM và nhiều địa phương trên cả nước.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/tao-co-che-de-can-bo-sang-tao-tintuc446579