Tạo cơ chế đặc thù cải tạo chung cư cũ

Tiến độ cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ tại Hà Nội rất chậm trễ và đang gặp không ít khó khăn. Vì vậy, rất cần một cách làm mới để thu hút các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn.

Ngày 12-11 vừa qua, UBND quận Đống Đa tổ chức cuộc họp thông tin về dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2 số 93 phố Láng Hạ (phường Láng Hạ). Dự án này được triển khai từ năm 2008, nhưng hiện vẫn chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân có nhiều, song chủ yếu do một số hộ yêu cầu mức bồi thường cao hơn so với quy định. Lãnh đạo quận Đống Đa cho biết, thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương cho phép tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng, nếu các hộ dân còn lại không chấp hành. Dự kiến, thời gian tổ chức cưỡng chế trong tháng 11 này.

Đó chỉ là một trong những dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ đang chậm tiến độ. Nhiều dự án khác đã hoàn thành điều tra xã hội học, lên phương án giải phóng mặt bằng… rồi cũng phải “đắp chiếu” vì vấp phải sự phản đối của một số ít hộ dân, chủ yếu sống tầng 1, liên quan đến bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 1.600 chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960 đến 1992, trong đó có gần 1.000 nhà thuộc khu vực hạn chế phát triển, như quận Ba Đình hơn 210 nhà, quận Hoàn Kiếm gần 100, quận Đống Đa 415 và quận Hai Bà Trưng hơn 240 nhà. Thành phố đã lập kế hoạch cải tạo, xây mới nhiều chung cư cũ, nhưng tiến độ rất chậm trễ.

Mới đây, tại cuộc làm việc giữa Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội, thành phố đã kiến nghị Bộ Xây dựng nhiều vấn đề liên quan cải tạo chung cư cũ, trong đó cho phép thành phố ban hành cơ chế đặc thù phù hợp với thực tế; phân cấp cho thành phố cấp phép xây dựng tất cả các công trình do thành phố quyết định chủ trương đầu tư; sửa đổi quy định về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư khi lập quy hoạch, dự án… Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, sẽ có ý kiến phản hồi trong tháng 11 này, việc gì vượt thẩm quyền, Bộ sẽ cùng với thành phố trình Chính phủ quyết định.

Nhiều chuyên gia đánh giá, những kiến nghị của Hà Nội rất sát với cuộc sống của người dân cũng như thực tế cải tạo, chỉnh trang bộ mặt đô thị. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho biết, cải tạo chung cư là vấn đề tồn tại nhiều năm nay. Luật Thủ đô đã có một số cơ chế đặc thù, nhưng nhiều nội dung chưa đi vào thực tiễn.

Thừa nhận cải tạo chung cư cũ là vấn đề khó khăn của Hà Nội, không ít chuyên gia chia sẻ, Hà Nội nên nghiên cứu theo hướng tổ chức quy hoạch chi tiết cả khu đất tập thể cũ cộng với khu vực chung quanh để tạo sự đồng bộ cho cả khu vực. Trong đó, việc thiết kế đô thị phải được tính toán cẩn thận, bao gồm tất cả các công trình trong khu vực nghiên cứu, xác định khu vực trung tâm, tuyến chính, các công trình cao tầng. Có những khu nhất thiết phải kiểm soát hạn chế phát triển dân số, chiều cao công trình, nhưng có những khu nên cho phép nâng tầng nếu không ảnh hưởng tới vùng bảo tồn, nằm trên các trục đường hướng tâm, tạo được điểm nhấn kiến trúc và hình ảnh đô thị văn minh hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, chủ đầu tư và người dân, góp phần gỡ khó cho công tác cải tạo chung cư cũ hiện nay.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, đến thời điểm này, UBND thành phố đã giao cho 20 đơn vị triển khai lập quy hoạch 29 chung cư cũ trên địa bàn, để đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện trong thời gian tới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38259002-tao-co-che-dac-thu-cai-tao-chung-cu-cu.html