Tạo chuyển biến tích cực về giải quyết hậu quả chất độc hóa học

5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) 'Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam' (sau đây gọi là Chỉ thị 43) đã tạo chuyển biến tích cực đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin Việt Nam có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân xung quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Một thành công trong triển khai thực hiện Chỉ thị 43 là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đối với công tác khắc phục hậu quả CĐHH sau chiến tranh, đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Sau khi Chỉ thị 43 được ban hành, các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn các cấp kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng có kế hoạch, chương trình hành động thiết thực, cụ thể, sát với tình hình địa phương, đơn vị. Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế... tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 43 ở 52 tỉnh, thành phố. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội ở các địa phương đã phát huy vai trò giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công nói chung, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH nói riêng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách đối với công tác giải quyết CĐHH được bổ sung, từng bước hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh. Ảnh: MINH TRỌNG

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh. Ảnh: MINH TRỌNG

PV: Công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC thời gian qua đạt kết quả như thế nào, thưa đồng chí?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Hằng năm, Nhà nước dành hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách để chi trả trợ cấp cho đối tượng chính sách, người có công, trong đó có NNCĐDC. Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác vận động nguồn lực, trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 43, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp đã vận động được hơn 1.500 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... Số tiền và vật chất từ nguồn vận động được sử dụng đúng mục đích, minh bạch, hiệu quả. Cụ thể, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hàng nghìn nhà tình nghĩa; trợ cấp hàng nghìn suất học bổng cho nạn nhân và con, cháu nạn nhân khó khăn; hỗ trợ vốn sinh kế, tìm việc làm, khám chữa bệnh; thăm, tặng quà hàng chục nghìn NNCĐDC trong các dịp lễ, tết, Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Ngày vì NNCĐDC Việt Nam (10-8)... Thông qua hỗ trợ vốn sinh kế, bằng ý chí và nghị lực, nhiều NNCĐDC đã vượt qua thử thách khắc nghiệt của bệnh tật, làm giàu chính đáng, trở thành những tấm gương sáng về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Cùng với đó, Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, các tỉnh hội, thành hội đã tham mưu, đề xuất, kiến nghị giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thăm, tặng quà các nạn nhân tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: ĐÌNH TRỌNG.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu bàn giao mái ấm da cam tặng hội viên. Ảnh: ÁNH TUYẾT

PV: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 43, tạo chuyển biến vững chắc, toàn diện đối với công tác khắc phục hậu quả CĐHH sau chiến tranh, theo đồng chí, thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp gì?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Trước hết, cần tiếp tục quán triệt, tập trung làm rõ quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, yêu cầu của Chỉ thị 43 để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ: Đây là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH sau chiến tranh ở Việt Nam; là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, chặt chẽ; tăng cường kiểm tra, giám sát, giải quyết dứt điểm từng vấn đề.

Cần tập trung có trọng điểm vào công tác vận động nguồn lực để hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC một cách hiệu quả, thực chất, bền vững; thực hiện tốt phương châm “đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cùng với đó, cần thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức hội các cấp vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; không để xảy ra tiêu cực trong thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC; bảo đảm mọi chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đúng đối tượng được thụ hưởng. Tiếp tục cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam bằng các phương thức, biện pháp phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và thông lệ quốc tế...

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cùng cán bộ các cơ quan chức năng kiểm tra, nắm tình hình thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: MINH TRỌNG

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

DUY THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tao-chuyen-bien-tich-cuc-ve-giai-quyet-hau-qua-chat-doc-hoa-hoc-648303