Tạo chuỗi sản xuất mới để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Lần đầu tiên hội nghị kết nối cung cầu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 5-7 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công Thương, 15 tỉnh thành và hàng trăm doanh nghiệp (DN) sản xuất. Tại đây, những 'nút thắt' phát triển CNHT đã được bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ, đồng thời tạo cơ hội liên kết, thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lần đầu tiên hội nghị kết nối cung cầu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 5-7 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công Thương, 15 tỉnh thành và hàng trăm doanh nghiệp (DN) sản xuất. Tại đây, những “nút thắt” phát triển CNHT đã được bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ, đồng thời tạo cơ hội liên kết, thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

DN tham quan tìm hiểu về các sản phẩm CNHT được trưng bày tại hội nghị.

DN tham quan tìm hiểu về các sản phẩm CNHT được trưng bày tại hội nghị.

Quá nhiều trở ngại

Không phát triển CNHT thì không thể phát triển bền vững nền kinh tế. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển CNHT song thực tế ngành này vẫn manh mún, lạc hậu. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cả nước có khoảng 1.800 DN CNHT, trong đó tới 1.500 DN về lĩnh vực giày da. Trình độ năng lực của DN hỗ trợ hiện cũng tiến bộ, đã sản xuất một số lĩnh vực như xe máy, xe đạp, ô-tô, dây cáp điện, linh kiện nhựa, săm lốp cao su... Ông Hải khẳng định, ngành công nghiệp Việt Nam chỉ có thể tồn tại và phát triển khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được việc này, DN hỗ trợ cần liên kết, đổi mới công nghệ, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là thách thức, cũng là yêu cầu sống còn của DN hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết, TP có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển CNHT như hỗ trợ tối đa đến 70% kinh phí đối với trường hợp tự đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, công nghệ thay thế, hoặc công nghệ nhập khẩu có hiệu quả kinh tế cao. TP cũng hỗ trợ chuyển giao đổi mới công nghệ hỗ trợ đến 70% giá trị hợp đồng mua công nghệ. Tổng giá trị hỗ trợ mỗi DN không quá 2 dự án, tổng kinh phí không quá 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, DN sản xuất CNHT còn được nhận chính sách ưu đãi đầu tư vay vốn với lãi suất đặc biệt ưu đãi từ quỹ đầu tư phát triển TP Đà Nẵng. Cụ thể, được hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn đầu tư dự án mới, thời gian không quá 5 năm, số lãi suất được hỗ trợ không quá 70% tổng vốn vay, tổng vốn không quá 50 tỷ đồng cho một dự án; được hỗ trợ 50% tiền sử dụng hạ tầng trong thời hạn 2 năm từ khi khởi công dự án.

Mặc dù có nhiều hỗ trợ, song các điều kiện để được hưởng hỗ trợ rất khắt khe, do vậy CNHT vẫn chưa thể phát triển. Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cho biết, CNHT gặp nhiều rào cản phát triển như nguồn vốn, chuyển giao tiếp cận công nghệ, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực. Tuy vậy, điểm yếu nhất của CNHT là thiếu sự hợp tác liên kết giữa các DN dẫn tới không phát huy được thế mạnh, lãng phí nguồn lực. Chưa kể, việc tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, DN nước ngoài còn yếu vì thiếu sự tin cậy lẫn nhau. Các DN CNHT phần lớn còn nhỏ bé, để tham gia vào chuỗi sản xuất của các DN lớn trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến rất nhanh hiện nay thì rất cần đầu tư cho công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, nhiều khi không chắc chắn về đầu ra nên không dám đầu tư. Ngược lại các nhà sản xuất cuối cùng rất muốn tìm được các DN CNHT có uy tín, kinh nghiệm, có chân trên thị trường. Do đó rất khó gặp nhau.

Để giải quyết những khó khăn này, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng chia sẻ, kinh nghiệm từ Nhật là các DN hỗ trợ phải liên kết, chia sẻ những kinh nghiệm đã được đúc kết thành công nghệ. Trong khi đó, đại diện Cơ quan hợp tác thương mại Hoa Kỳ (USAID) cho biết, cơ quan này đang triển khai dự án kết nối các DN nhỏ của Việt Nam với các tập đoàn lớn để hợp tác, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, USAID cũng thực hiện hỗ trợ DN nhỏ chuyển đổi công nghệ. Ông Lê Dương Quang thì cho rằng, cơ chế của chính quyền phải thực sự đồng hành với DN, từ hoàn thiện thể chế đến kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về chính sách. “Chính sách nhiều khi rất hay nhưng lúc triển khai lại vướng rất nhiều, nhất là thủ tục hành chính rườm rà. Do vậy phải thực sự cải cách hành chính tạo thuận lợi cho DN”- ông Dương nói.

Nhờ sản xuất ô-tô mà Thaco Trường Hải đã kéo theo 200 DN hỗ trợ tham gia.

Tạo sân chơi riêng

Nhiều Cty lớn có tác động mạnh tới CNHT cũng cho biết họ sẵn sàng hợp tác, liên kết với các DN hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất. Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco Trường Hải cho biết, tại Chu Lai Cty đã đầu tư tổng diện tích gần 1.200 ha bao gồm các khu công nghiệp, cảng biển và hậu cần, đô thị. Thaco Chu Lai hiện đang phát triển thành hệ sinh thái tích hợp nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, là nền tảng để tạo ra các giá trị mới, nhằm thu hút các DN tới đầu tư sản xuất. Thaco Chu Lai hiện có hơn 30 nhà máy, đơn vị với tổng vốn đầu tư hơn 80,5 ngàn tỷ đồng (7 nhà máy sản xuất ô-tô, 11 nhà máy sản xuất CNHT, nhiều nhà máy cơ khí). Theo ông Tài, Thaco Trường Hải rất mong muốn liên kết với các DN hỗ trợ cả nước nhằm hình thành một cộng đồng DN kết nối hợp tác chuyển giao công nghệ để hoàn thiện chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất và kinh doanh. Định hướng của Thaco Trường Hải là phát triển CNHT dựa trên nền tảng cơ khí chế tạo nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thaco cam kết hỗ trợ, chia sẻ, liên kết với cộng đồng DN nhằm mục đích thúc đẩy CNHT phát triển.

Ông Trần Lê Phương, Phó Tổng giám đốc Đối ngoại Vinfas cho biết, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ song việc phát triển CNHT hiện rất khó khăn, nhất là đầu ra của sản phẩm. Thực tế, CNHT chỉ có thể phát triển khi tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng, các tập đoàn lớn giờ đã có kết nối bạn hàng, DN Việt làm về CNHT để chen chân vào được rất khó. Tuy vậy, không phải đã hết cơ hội. Mà cơ hội ở đây chính là khi phát triển được các chuỗi sản xuất mới trong nước. Chẳng hạn Thaco Trường Hải sản xuất ô-tô thì đã kéo theo 200 DN hỗ trợ phát triển. Từ đó, ông Phương cho biết, Vinfas cũng đang tạo ra chuỗi sản xuất mới, sân chơi mới để cho các DN hỗ trợ tham gia thể hiện. Cụ thể, dự án sản xuất ô-tô, xe máy điện của Vinfas tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 3 tỷ USD đã được triển khai tại Hải Phòng. Theo đó công suất 200 ngàn ô-tô/năm (giai đoạn 1) và nâng lên 500 ngàn xe/năm (giai đoạn 2), công suất xe máy điện giai đoạn 2 là 500 ngàn chiếc tiến tới 1 triệu chiếc/năm. Những công nghệ sản xuất ô-tô của Vinfas được nhập từ các tập đoàn hàng đầu thế giới. Ông Phương nói, để phục vụ sản xuất các loại xe này, Vinfas đã dành 70 ha làm công nghiệp hỗ trợ, sẵn sàng mời các nhà đầu tư về CNHT đến đầu tư, hợp tác. “Vinfas mong muốn kết nối với các DN CNHT để cùng thúc đẩy ngành CNHT phát triển”- ông Phương chia sẻ.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_208946_tao-chuoi-san-xuat-moi-de-phat-trien-cong-nghiep-h.aspx