Tạo 'cần câu' cho người hoàn lương

Nhằm giúp người hoàn lương có công ăn việc làm ổn định, giảm tình trạng tái phạm tội, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện công tác đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh.

Các học viên đang học nghề tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai.

Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, từ năm 2011 đến nay, trong số hơn 8 ngàn người chấp hành xong án phạt tù được trở về địa phương sinh sống, có gần 70% người tái phạm tội do không có việc làm ổn định.

* Mong ước của người hoàn lương

Anh N.T.L. (27 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) kể, ngày ra tù sau 4 năm chấp hành án, anh trở về địa phương với 2 bàn tay trắng nên rất hoang mang và lo lắng. Từng làm công nhân cho một công ty tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) nhưng khi trở về mọi thứ đối với anh quá mới mẻ.

Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh (Sở Lao động- thương binh và xã hội) cho biết: “Về lâu dài chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án đào tạo nghề tập trung cho các đối tượng chuẩn bị được tha tù, để khi họ tái hòa nhập cộng đồng có thể tự đi tìm việc làm theo đúng ngành nghề được đào tạo. Điều này giảm bớt tình trạng tái phạm, góp phần ổn định an ninh trật tự địa bàn”.

Ra trại, anh L. quyết tâm làm lại cuộc đời, vậy mà khi cầm hồ sơ đi xin việc thì đều bị từ chối nên anh lủi thủi ở nhà chăm sóc vườn làm rẫy để phụ giúp gia đình. Anh L. tâm sự: “Lúc này tôi mới nhận ra vì một lần sai mà vết chàm cứ theo mãi khiến cho cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nếu những người lầm lỡ như chúng tôi được đào tạo nghề theo yêu cầu thì sẽ sớm có việc làm ổn định, lo cho gia đình, giảm được mặc cảm của bản thân, tránh được lời rủ rê phạm pháp”.

Còn ông D.V.T. (41 tuổi, ngụ huyện Long Thành) cho biết sau khi ra tù, ông không kiếm được nghề nghiệp ổn định nên đành đi theo một số người quen làm thợ hồ hoặc ai thuê gì làm đó. Nếu được dạy nghề, ông sẽ xin đi học nghề chăm sóc cây cảnh vì phù hợp với tuổi tác và đam mê của bản thân.

“Nếu tỉnh triển khai thực hiện đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện cho họ có nghề nghiệp và công ăn việc làm đàng hoàng thì sẽ không ai dại gì tiếp tục phạm pháp”- ông T. chia sẻ.

* Đào tạo nghề là cần thiết

Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh (Sở Lao động - thương binh và xã hội) cho biết, theo Kế hoạch 8899/KH-UBND ngày 22-8-2018 của UBND tỉnh về thực hiện công tác đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh, người chấp hành xong án phạt tù được quan tâm và đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, khả năng chuyên môn của bản thân, nhu cầu của người sử dụng lao động và điều kiện thực tế tại địa phương.

Để thực hiện kế hoạch này, Sở Lao động - thương binh và xã hội đang tổng rà soát lại tất cả danh sách những người hoàn lương trên địa bàn từ năm 2011 về tất cả thông tin như: trình độ, độ tuổi, địa chỉ, tình trạng việc làm... Sau đó đơn vị sẽ sàng lọc, phân loại xác định các đối tượng tại từng địa phương nhằm đáp ứng đủ, đúng nguyện vọng của người hoàn lương khi trở về địa phương sinh sống.

Người chấp hành xong án phạt tù sau khi về địa phương sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng và được miễn giảm học phí khi tham gia các lớp đào tạo theo từng chương trình cụ thể. “Tỉnh sẽ giao chỉ tiêu xuống các địa phương lập danh sách và đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của người hoàn lương và khả năng, điều kiện của các địa phương. Địa phương có thể tập trung lại theo từng nhóm nghề và thuê giáo viên đứng lớp giảng dạy hoặc phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn để phụ trách đào tạo” - ông Hòa cho hay.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ tư vấn, hướng dẫn, tạo điều kiện và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương sinh sống được hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm hoặc hỗ trợ nguồn vốn vay để làm ăn kinh tế sau khi tham gia học nghề.

Theo ông Hòa, để thực hiện kế hoạch vẫn còn một số khó khăn nhất định như: nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện hoặc các đối tượng tù tha sau khi về không có mặt tại địa phương nên khó tiếp cận, việc rà soát thông tin kéo dài. Để gỡ khó, ông Hòa cho biết đơn vị đang xây dựng một đề án cụ thể, dài hạn, chi tiết nhằm xác định trách nhiệm của từng cơ quan, ban, ngành cùng phối hợp thực hiện.

Phạm Huệ

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201810/tao-can-cau-cho-nguoi-hoan-luong-2914495/