Tạo bước chuyển trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Do còn tồn đọng nhiều vụ việc liên quan đến khiếu nại, tố cáo, năm 2018, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND về giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri; thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố. Ghi nhận tại một số địa phương cho thấy, quá trình thực hiện nghị quyết đã tạo bước chuyển trong giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội làm việc với 3 quận, huyện (Long Biên, Phú Xuyên, Quốc Oai) về giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng

Phó Trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương cho biết, năm 2018, toàn thành phố có 114 quyết định giải quyết khiếu nại, 180 thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật chưa thực hiện xong. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố, đến nay đã có hơn 50% số vụ được giải quyết. Đáng chú ý, tại quận Long Biên đã thực hiện xong 21/23 quyết định giải quyết khiếu nại. Huyện Phú Xuyên thực hiện xong 2/3 quyết định giải quyết khiếu nại. Huyện Quốc Oai thực hiện xong 4/7 quyết định giải quyết khiếu nại. Cùng với đó, nhiều thông báo kết luận tố cáo cũng được các địa phương giải quyết dứt điểm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết, thời gian qua, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc giải quyết dứt điểm 4 quyết định giải quyết khiếu nại, 2 thông báo kết luận giải quyết tố cáo. Kinh nghiệm của huyện là áp dụng giải pháp đối thoại để tìm sự đồng thuận, tránh nguy cơ gây phức tạp về an ninh trật tự.

Từ thực tế của địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường cho biết, phần lớn các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng đều liên quan đến thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, trong quá trình xử lý, UBND quận Long Biên chỉ đạo các phường giải quyết nghiêm túc, hết thẩm quyền, những nội dung vượt thẩm quyền đều kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. “Trường hợp vụ khiếu nại của bà Lương Thị Hải (tổ 12, phường Long Biên) về “Phương án bồi thường, hỗ trợ 30m2 diện tích đất nông nghiệp của gia đình bà còn thiếu” là một trong 21 vụ việc của quận được giải quyết xong. Đến nay, bà Hải đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước, không có đơn thư, khiếu nại về nội dung trên”, ông Vũ Xuân Trường nói.

Bà Vũ Hoa (phường Long Biên, quận Long Biên) nhận xét, việc giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng trên địa bàn đã góp phần giảm bức xúc, người dân tin tưởng chính quyền hơn…

Với huyện Phú Xuyên, kinh nghiệm để giải quyết tốt các vụ việc khiếu nại, tố cáo là định kỳ hằng tháng, Chủ tịch UBND huyện giao ban, kiểm điểm tiến độ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, qua đó kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo, đôn đốc và có giải pháp tháo gỡ các khó khăn trong mỗi vụ việc...

Tăng cường công tác phối hợp

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố ở một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa đồng đều.

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Bích Thủy cho biết, qua khảo sát ở 3 quận, huyện: Long Biên, Quốc Oai, Phú Xuyên, số vụ việc tồn đọng vẫn còn. Cụ thể, quận Long Biên hiện chưa tổ chức thực hiện xong 2 vụ khiếu nại nội dung liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Huyện Quốc Oai còn 3 quyết định giải quyết khiếu nại chưa được thực hiện dứt điểm có liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án trên địa bàn; 7 thông báo kết luận giải quyết tố cáo chưa tổ chức thực hiện dứt điểm có liên quan đến nhiều lĩnh vực. Huyện Phú Xuyên còn 12 thông báo kết luận giải quyết tố cáo chưa tổ chức thực hiện dứt điểm...

“Bên cạnh nguyên nhân do các vụ việc tồn đọng đã lâu, hồ sơ căn cứ giải quyết không đầy đủ, thì việc giải quyết chậm còn do các địa phương chưa tích cực chủ động tham mưu, đề xuất, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ của UBND thành phố và các sở, ngành chuyên môn; hoặc đã có báo cáo xin ý kiến, nhưng không sát sao, đeo bám đến cùng dẫn đến khó tổ chức thực hiện”, bà Nguyễn Bích Thủy cho biết.

Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thế Công thừa nhận, việc tổ chức thực hiện các thông báo kết luận giải quyết tố cáo chủ yếu liên quan đến tài sản, đất đai từ các nhiệm kỳ trước để lại, nên rất khó khăn cho địa phương. Hiện cũng chưa có chế tài, quy định xử lý cụ thể đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận, quyết định khiếu nại, tố cáo chậm, chưa dứt điểm. Vì thế, thời gian tới, đề nghị các sở, ban, ngành tham mưu có chế tài, biện pháp cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân khi hết thời hạn trong kết luận, quyết định mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu...

Bên cạnh chủ động phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường kiến nghị, Ban Pháp chế HĐND thành phố thời gian tới cần tích cực đôn đốc các cơ quan của thành phố giải quyết dứt điểm vụ việc tồn đọng tại các địa phương. Đối với quận Long Biên, cần sớm đôn đốc các sở, ngành giải quyết đơn của bà Lê Thị Hương (phường Long Biên) và ông Lê Văn Sạch (phường Phúc Lợi); đồng thời đưa ra khỏi danh sách theo dõi vụ việc tố cáo của bà Đinh Thị My (phường Ngọc Lâm), vì không thực hiện được nội dung cưỡng chế do gia đình vi phạm trật tự xây dựng thuộc diện khó khăn.

Theo Phó Trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương, sau đợt giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND, Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội sẽ kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tăng cường phối hợp với quận, huyện, thị xã trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt thống nhất phương pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho cơ sở để sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng.

Nguyễn Tiến Việt

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/963621/tao-buoc-chuyen-trong-giai-quyet-khieu-nai-to-cao