Tạo 'bệ đỡ' cho ngành chăn nuôi phát triển

Luật Quy hoạch và Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 với nhiều quy định mới, hoạt động đầu tư trong chăn nuôi có nhiều thay đổi.

Một trang trại nuôi gà tham gia chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tại H.Tân Phú Ảnh: Lê Quyên

Một trang trại nuôi gà tham gia chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tại H.Tân Phú Ảnh: Lê Quyên

Trong tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Đồng Nai tập trung tạo môi trường thuận lợi bằng cơ chế, chính sách để ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, đạt chuẩn an toàn. Tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

* Hỗ trợ bằng chính sách

Ngành chăn nuôi hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi ngành chăn nuôi heo vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi; chăn nuôi gia cầm thì đối mặt với nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát. Đầu ra của các sản phẩm chăn nuôi cũng gặp khó vì ảnh hưởng của dịch Covid-19; áp lực cạnh tranh với thịt ngoại tràn vào thị trường nội địa khi bước vào hội nhập.

Theo phản ánh của người chăn nuôi, những khó khăn của doanh nghiệp, chủ trang trại hiện nay là về nguồn vốn và những vướng mắc về đất đai, thủ tục khi đầu tư dự án mới…

Ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho rằng, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ thiết thực để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa. Trong đó, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên tập trung phát triển đàn heo thịt vì sớm có nguồn thu và đầu tư không quá lớn. Tỉnh nên ưu tiên quỹ đất, hỗ trợ nhà đầu tư về hồ sơ, thủ tục cũng như được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho chăn nuôi, nhất là các doanh nghiệp lớn đủ điều kiện đầu tư cho ngành sản xuất con giống, từ đó có nguồn giống cung cấp cho các hộ chăn nuôi heo thịt.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết, bỏ quy hoạch chăn nuôi sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi hiện nay vì các ngành, địa phương sẽ quản lý theo quy chuẩn ngành. Các quy định của ngành khá đầy đủ và chặt chẽ nên sẽ không xảy ra tình trạng chăn nuôi phát triển ồ ạt không quản lý được. Ngành chăn nuôi hiện đã có những quy định riêng là buộc các cơ sở chăn nuôi phải di dời về khu vực đủ điều kiện đầu tư trang trại chăn nuôi, xử lý môi trường… nhằm đảm bảo về môi trường, dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Riêng việc tái đàn heo, Đồng Nai cũng đã ban hành văn bản quy định điều kiện tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi chưa xảy ra dịch tả heo châu Phi và cả các cơ sở đã xảy ra dịch tả. Các cơ sở trên phải có đơn đăng ký với UBND xã nơi tổ chức chăn nuôi để thực hiện các bước kiểm tra và chỉ được phép tái đàn khi đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. “Để khuyến khích đầu tư cho chăn nuôi, nhất là trong khôi phục đàn heo, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về quỹ đất, hồ sơ thủ tục cũng như có chính sách ưu đãi về nguồn vốn hỗ trợ… để phát triển đàn heo nái, sản xuất giống heo con cung cấp cho người chăn nuôi” - ông Giang nói.

* Đầu tư cho chuỗi liên kết

Lợi thế của Đồng Nai là có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Định hướng phát triển chăn nuôi trong giai đoạn hội nhập, tỉnh tiếp tục khuyến khích các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để cung cấp con giống, chuyển giao kỹ thuật nuôi đảm bảo an toàn cho nông dân.

Nói về sự thay đổi trong đầu tư cho chăn nuôi hiện nay, ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế H.Trảng Bom nhận xét, chăn nuôi gia cầm đang tăng trưởng mạnh. Để cạnh tranh được trong giai đoạn hiện nay, người chăn nuôi đều đầu tư trang trại chăn nuôi công nghiệp, tham gia chuỗi liên kết để giảm chi phí sản xuất, đầu ra có doanh nghiệp bao tiêu để phát triển bền vững. Ngay cả với chăn nuôi nhỏ lẻ, người chăn nuôi cũng quan tâm đầu tư đảm bảo an toàn sinh học.

Chia sẻ về lợi ích của việc tham gia chuỗi liên kết, ông Vũ Văn Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trường Giang Phát (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, nhờ tham gia vào chuỗi liên kết, sản phẩm của doanh nghiệp có đối tác bao tiêu đầu ra nên ngay cả giai đoạn thị trường thịt heo rơi vào khủng hoảng khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, doanh nghiệp vẫn ổn định sản xuất. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm chọn lựa sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng nên những cơ sở kinh doanh trong ngành này xây dựng được chuỗi liên kết có uy tín, có thương hiệu thì không lo về thị trường”.

Lê Quyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202010/tao-be-do-cho-nganh-chan-nuoi-phat-trien-3026708/