Tăng vốn cho 4 'ông lớn' ngân hàng: Có nên 'xin - cho' mãi?

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, đa số đại biểu Quốc hội đã nhất trí về sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Nhưng số phận của 3 ngân hàng còn lại trong nhóm 'big 4' là BIDV, VietinBank, Vietcombank trong việc tăng vốn sẽ như thế nào?

4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vẫn gặp khó trong vấn đề tăng vốn.

4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vẫn gặp khó trong vấn đề tăng vốn.

Hệ số CAR còn thấp

Trong hệ thống tổ chức tín dụng của Việt Nam hiện nay, 4 ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 3/2020, vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước này đạt 145,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,5% toàn hệ thống, tổng tài sản đạt 5.213,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,76% toàn hệ thống, tăng 37,01% so với cuối năm 2016.

Dù có khối lượng tài sản lớn, nhưng để đáp ứng theo các chuẩn mực quốc tế về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thì các ngân hàng này vẫn còn thiếu. Đặc biệt, lãnh đạo NHNN cho biết, việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước bị hạn chế do phải đáp ứng CAR trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 3, CAR của Agribank chỉ đạt 6,9%, có nguy cơ rơi về 6,1% vào năm 2021 nếu không được tiếp vốn, cách xa so với yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định. Hệ số CAR của 3 ngân hàng còn lại cũng ở mức thấp.

Báo cáo kiểm toán Agribank trong năm 2019 cho thấy, tổng tài sản của ngân hàng này so với lúc thành lập năm 1988 tăng gấp 1.000 lần, lợi nhuận trước thuế là trên 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế là hơn 11.000 tỷ đồng. Với vốn điều lệ là 30.000 tỷ đồng mà lợi nhuận ròng như vậy là khá cao. Trong năm 2019, khoản nộp ngân sách của Agribank là hơn 6.000 tỷ đồng. Chính vì thế, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần gia tăng huy động vốn cho Agribank, để giúp mở rộng tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Những năm qua, việc tăng vốn cho nhóm “big 4” ngân hàng có vốn nhà nước luôn là đề tài nóng, nhất là đối với Agribank. Sau một thời gian báo cáo và trình bày từ NHNN, Quốc hội đã nhất trí về sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019, tương ứng với số lượng lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Gợi mở con đường

Thực tế là trước đó, để tự “cứu mình”, các ngân hàng này cũng đã có hàng loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn về tăng vốn, như tăng vốn qua giảm sở hữu Nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài… thậm chí, các ngân hàng này còn đề xuất tăng vốn bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì trả bằng tiền mặt nộp về ngân sách. Tuy vậy, trước tác động của đại dịch Covid-19 vào đầu năm, lợi nhuận các ngân hàng đều sụt giảm, nợ xấu đang có nguy cơ gia tăng thì những ảnh hưởng đến an toàn vốn của các ngân hàng, nhất là 4 ngân hàng lớn đều rất lớn.

Để tăng cường năng lực tài chính, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn), NHNN cho biết đã chỉ đạo các ngân hàng này thực hiện đồng bộ các giải pháp để bù đắp vốn thiếu hụt. Tại kỳ họp Quốc hội lần này, chỉ Agribank được xem xét theo hướng bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước, 3 ngân hàng còn lại dù chưa được đưa ra các phương án cụ thể, nhưng cũng đã có ý kiến xem xét về việc tăng tỷ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Nguyên nhân bởi trong 4 “ông lớn” này, chỉ có Agribank là 100% vốn nhà nước. Các ngân hàng còn lại vẫn phải “đợi”, bởi Quốc hội đã có ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về tiến độ, trách nhiệm trong triển khai các giải pháp tăng vốn điều lệ cho 3 ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Vietcombank, BIDV và VietinBank).

Chính vì thế, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, cũng như sớm phê duyệt phương án tăng vốn tự có cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Bởi hiện tại, VietinBank là ngân hàng khó khăn nhất trong số 3 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước do dư địa tăng vốn gần như đã cạn. Còn theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc tăng vốn cho các ngân hàng có vốn nhà nước có thể dùng cách khác mà không cần cơ chế “xin - cho” từ ngân sách, như giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, cấp thêm tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư ngoài… Vị này nhấn mạnh, nếu để các ngân hàng này trong tình trạng “vốn mỏng” thì rất dễ bị tổn thương, gặp khó trong việc hỗ trợ nền kinh tế vượt đại dịch.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tang-von-cho-4-ong-lon-ngan-hang-co-nen-xin-cho-mai-128413-128413.html