Tăng Type 62-Trung Quốc suýt 'tuyệt chủng' trong cuộc chiến 2/1979

Trong cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979, chủ lực các mũi tấn công của quân Trung Quốc là những xe tăng hạng nhẹ Type 62 với số lượng khoảng 200 chiếc.

Type 62 là loại xe tăng hạng nhẹ do Trung Quốc nghiên cứu phát triển vào thập niên 1960, nguyên mẫu đầu tiên hoàn thành năm 1962 và được chế tạo hàng loạt từ năm 1963, với tổng số 1.499 chiếc xuất xưởng.

Khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào tháng 2/1979, Bắc Kinh đã lựa chọn xe tăng Type 62 làm mũi chủ công do trọng lượng nhẹ và khả năng xoay trở linh hoạt của nó tỏ ra hữu ít hơn loại Type 59 khi triển khai tại địa hình đồi núi hiểm trở.

Ước tính Trung Quốc đã huy động tổng cộng khoảng 200 chiếc Type 62 để tung vào trận nhằm yểm trợ hỏa lực cho các đợt tấn công "biển người", bên cạnh xe thiết giáp chở quân Type 63 cũng được sử dụng trên quy mô khá lớn.

Xe tăng hạng nhẹ Type 62 của Trung Quốc

Xe tăng hạng nhẹ Type 62 của Trung Quốc

Về cơ bản, Type 62 là thiết kế giản lược từ T-54 của Liên Xô với rất nhiều nét tương đồng về ngoại hình. Khác biệt lớn nhất là nó sử dụng pháo Type 62-85TC 85 mm với cơ số 47 viên đạn thay vì D-10T2S cỡ 100 mm.

Type 62 có kíp lái 4 người; chiều dài 5,6 m (7,9 m với pháo quay về phía trước); chiều rộng 2,86 m; chiều cao 2,25 m; trọng lượng 21 tấn. Ngoài pháo chính xe còn được trang bị 1 súng máy đồng trục 7,62 mm và 1 súng máy phòng không 12,7 mm.

Động cơ diesel 12150L-3 công suất 430 mã lực cho tốc độ tối đa 60 km/h, tầm hoạt động 510 km, leo được dốc 60%, vượt vật cản cao 0,7 m, vượt hào rộng 2,55 m và lội nước sâu 1,3 m. Xe có hệ thống chữa cháy tự động nhưng thiếu khả năng phòng vệ xạ - sinh - hóa (NBC).

Xe tăng hạng nhẹ Type 62 của Trung Quốc bị bộ đội Việt Nam tiêu diệt

Vỏ giáp của xe tăng Type 62 rất mỏng, dày nhất là 50 mm trên tháp pháo, thân xe từ 15 - 35 mm, chỉ chống lại được vũ khí bộ binh nhẹ hoặc mảnh đạn và gần như bất lực hoàn toàn trước các loại súng chống tăng.

Do thiếu hệ thống điều khiển hỏa lực cũng như kính ngắm đêm, chỉ có kính ngắm quang học đơn giản mà tầm bắn hiệu quả của pháo 85 mm chỉ đạt 1.200 m, khiến Type 62 mất đi rất nhiều sức chiến đấu, đặc biệt là ở địa hình đồi núi nhiều vật cản.

Một chiếc Type 62 của Trung Quốc bị bắt sống trong tình trạng tương đối nguyên vẹn

Do còn tồn tại khá nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật lại thêm việc phải đối đầu với một quân đội thiện chiến như Việt Nam, nên lực lượng thiết giáp Trung Quốc đã phải hứng chịu thiệt hại vô cùng nặng nề.

Theo thống kê, Quân đội Trung Quốc mất tới một nửa trong tổng số 200 xe tăng Type 62 huy động cho cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979, đa phần bị tiêu diệt và có một số khác bị bắt sống tại trận.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/tang-type-62-trung-quoc-suyt-tuyet-chung-trong-cuoc-chien-21979-3374581/