Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ cản trở lực lượng lao động trẻ có việc làm

Đại biểu Trương Phi Hùng (Đoàn Long An) cho rằng, hiện nay mỗi năm đều có hàng nghìn sinh viên ra trường. Đây là nguồn nhân lực chất lượng, nếu tăng tuổi nghỉ hưu có thể xảy ra việc cản trở lực lượng lao động trẻ có việc làm, hay người già chiếm chỗ của người trẻ nên cần cân nhắc kỹ.

Tính toán kỹ việc tăng tuổi nghỉ hưu

Là một bộ luật quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn tác động trực tiếp tới người lao động (NLĐ), nên phiên thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi vào chiều 12.6 đã diễn ra sôi nổi. Ngay khi vừa bắt đầu đã có 76 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, nêu quan điểm về các nội dung tăng tuổi nghỉ hưu và tăng giờ làm thêm.

Đại biểu Trương Phi Hùng (Đoàn Long An) đồng tình với việc nới rộng khung làm thêm giờ lên 400 giờ/năm. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng đến việc tái tạo sức lao động và thời giờ chăm sóc gia đình của người lao động (NLĐ). Ông cho rằng cần quy định chặt chẽ để tránh việc chủ sử dụng lao động lợi dụng để vắt kiệt sức của NLĐ. Ngoài ra, khi tăng giờ làm thêm, cần quy định việc tính lương làm thêm tăng lũy tiến.

Đại biểu Hùng lấy ví dụ, làm thêm 2h đầu ít nhất được 150% lương, 1h tiếp theo ít nhất là 250%, 1h tiếp theo nữa là 300%. Cách tính lũy tiến như này sẽ hạn chế được việc chủ sử dụng lao động bắt ép NLĐ làm thêm, tránh xảy ra tai nạn lao động nếu làm việc quá sức.

Đại biểu Trương Phi Hùng -đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An phát biểu. Ảnh:Quochoi.vn

Đại biểu Trương Phi Hùng -đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An phát biểu. Ảnh:Quochoi.vn

Về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, đại biểu Hùng góp ý, cần có tầm nhìn dài hạn, lộ trình phù hợp không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Những ngành nghề làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, thì NLĐ phải được quyền nghỉ hưu sớm.

“Việc xét tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình phù hợp để tránh gây sốc. NLĐ ở nước ta hiện nay làm việc ở điều kiện khó khăn so với các nước trong khu vực, mức thu nhập chưa hoàn toàn thỏa mãn để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Vì vậy, khi thiết kế tăng tuổi nghỉ hưu thì cần chia nhóm cụ thể. Nhóm làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và nhóm làm việc tại đơn vị ngoài công lập. Tôi đề nghị giữ nguyên như hiện hành về tuổi nghỉ hưu đối với nhóm lao động ngoài công lập"- đại biểu Hùng kiến nghị.

Vị đại biểu đoàn Long An cũng băn khoăn, hiện nay có khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Đây là nguồn nhân lực trẻ, khỏe, có năng lực, chất lượng. Nếu áp dụng ngay việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có phần cản trở lực lượng lao động trẻ. “Quan điểm của tôi là cần phải tính toán thật kỹ vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu” - đại biểu Hùng nói.

NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm mà không bị trừ đóng bảo hiểm

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cơ quan soạn thảo lấy lý do tuổi thọ của người Việt Nam tăng nên cần tăng tuổi nghỉ hưu, điều này là không hợp lý.

Dù tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng, nhưng sức khỏe lại không đảm bảo, mắc nhiều thứ bệnh. Hơn nữa, lực lượng lao trẻ hiện nay thất nghiệp lớn, vì vậy cần cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu, để không đánh mất cơ hội của người trẻ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Nếu đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vẫn được thông qua, đại biểu Hòa kiến nghị, nên chăng việc tăng tuổi nghỉ hưu là 58 với nữ, 62 với nam.

Đặc biệt, NLĐ làm việc trong điều kiện nặng nhọc thì được quyền nghỉ hưu sớm và không bị trừ đóng bảo hiểm xã hội. Còn với những người làm việc năng suất không cao, “sáng cắp ô đi, tối cắp về” mà lại không chịu nghỉ hưu thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được quyền cho người này nghỉ hưu, để bố trí việc làm đó cho người trẻ.

Đặng Chung - Cao Nguyên - Thành Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/tang-tuoi-nghi-huu-se-can-tro-luc-luong-lao-dong-tre-co-viec-lam-738660.ldo