Tăng tuổi nghỉ hưu: Một quyết định khó khăn

Theo ông Nuno Cunha- chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tốc độ thay đổi nhân khẩu nhanh như ở Việt Nam, đặc biệt là tốc độ già hóa dân số, đã dẫn đến những thách thức chỉ có thể xử lý bằng việc thay đổi các tham số của hệ thống bảo hiểm xã hội, mà một trong các tham số đó là tuổi nghỉ hưu.

Tăng tuổi nghỉ hưu là một xu hướng ở nhiều nước trong khu vực và so sánh với các quốc gia có cùng mức tuổi thọ trung bình của dân số thì tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam rõ ràng thấp hơn nhiều quốc gia.

Ông Nuno Cunha.

PV: Xin ông cho biết liệu có thể không tăng tuổi nghỉ hưu mà thay vào đó là tăng tính hiệu quả của đầu tư quỹ BHXH?

Ông Nuno Cunha: Với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, Việt Nam chỉ có thể xử lý bằng việc thay đổi các tham số của hệ thống BHXH, mà một trong các tham số đó là tuổi nghỉ hưu.

Chúng tôi hiểu rằng người dân sẽ không hài lòng với việc tăng tuổi nghỉ hưu, đây là một quyết định khó khăn.

Tuy nhiên nếu nhìn vào số liệu về tuổi thọ trung bình, đặc biệt là tuổi thọ của những người sống từ 60 trở lên, có thể thấy là ngày nay một phụ nữ Việt Nam khi đạt đến tuổi 60 thì có tuổi thọ trung bình đến 81.6.

Như vậy nếu nghỉ hưu ở tuổi 55, phụ nữ Việt Nam sẽ nhận lương hưu hơn 26 năm. Tưởng tượng là nếu người này bắt đầu tham gia lao động từ 25 tuổi, tối đa có thể đóng được 30 năm (thậm chí ít hơn).

Như vậy đóng 30 năm để hưởng lương hưu 26 năm là điều không thể. Do vậy không hề khó khi thấy được thách thức mà hệ thống cần xử lý.

Hiểu rõ được các thách thức với hệ thống, và do vậy chúng tôi ủng hộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu một cách từ từ.

Theo đề xuất là mỗi năm tăng 3 tháng và bắt đầu tăng từ 2020, nghĩa là đến tận 2024 mới có người phụ nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 56 và đến tận 2028 mới nghỉ ở tuổi 57. Việc tăng tuổi nghỉ hưu từ từ như vậy cho phép người dân và nền kinh tế điều chỉnh theo.

Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả đầu tư Quỹ BHXH của Việt Nam hiện nay?

- Chúng tôi chưa tiến hành phân tích cụ thể về hiệu quả đầu tư quỹ. Tuy nhiên, không thể tách rời hoạt động của Quỹ với hiệu quả của thị trường tài chính ở Việt Nam và các cơ hội đầu tư. Đồng thời chúng ta cũng phải lưu ý là việc đầu tư quỹ cần phải được triển khai một cách cẩn trọng.

Tuy nhiên tôi không cho rằng nó sẽ mang lại những tác động lớn đến tình hình tài chính của hệ thống và với tốc độ già hóa dân số nhanh như thế này thì điều không thể tránh khỏi là phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để kịp thời ứng phó với thay đổi về nhân khẩu học.

Liệu có cách nào khác để không mất cân đối quỹ, nhưng cũng không làm giảm quyền lợi của người lao động thông qua việc tăng tuổi nghỉ hưu?

- Có 3 phương án chính để đảm bảo bền vững tài chính của một hệ thống an sinh xã hội: giảm chế độ, tăng tuổi nghỉ hưu và tăng tỷ lệ đóng góp. Mỗi phương án đều có tác động khác nhau đến hệ thống an sinh và đồng thời tác động đến cả từng người dân và doanh nghiệp.

Cần tìm được giải pháp cân bằng 3 phương án trên cũng như cần thực hiện cải cách từ từ để đảm bảo người dân và doanh nghiệp có đủ thời gian để điều chỉnh.

Đấy chính là phương cách đảm bảo tính bền vững về tài chính và về xã hội của hệ thống BHXH.

Được biết khi tham vấn cho Việt Nam xây dựng Luật BHXH năm 2014, ILO có đưa ra cảnh báo nếu cứ áp dụng công thức cũ của Luật BHXH 2006 thì tới năm 2034 Quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối? Vậy thực tế câu chuyện này ra sao? Với công thức tính hiện nay, nguy cơ mất cân đối quỹ còn hiện hữu?

- Theo các kết quả ban đầu của phân tích gần đây nhất của chúng tôi thì các vấn đề của Quỹ không quá tiêu cực, điều này cho thấy những tác động tốt của những điều chỉnh trong Luật BHXH 2014.

Tuy nhiên điều quan trọng là vẫn cần tiếp tục cải cách hệ thống để thích ứng với những thay đổi về nhân khẩu học và về kinh tế; nếu không thì những điều chỉnh từ năm 2014 sẽ không đủ và sẽ tiếp tục xuất hiện những dấu hiệu rủi ro nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Quỳnh Hoa (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/tang-tuoi-nghi-huu-mot-quyet-dinh-kho-khan-tintuc404408