Tăng tuổi nghỉ hưu không nên cào bằng

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương vừa phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh các nội dung trong dự thảo, đặc biệt là tăng tuổi nghỉ hưu và giờ làm thêm.

Nên giữ độ tuổi nghỉ hưu

Nội dung nổi cộm được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý tại hội nghị là phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Theo dự thảo, từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Các đại biểu góp ý tại hội nghị

Các đại biểu góp ý tại hội nghị

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Việc tăng tuổi hưu theo từng năm giúp NLĐ làm quen dần với việc sẽ tiếp tục đi làm sau tuổi 55 như đã quy định. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng việc tăng tuổi hưu không nên áp đặt một độ tuổi "cứng" đối với nam và nữ. Bà Hồ Thị Mộng Thu, giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Bình Dương, bày tỏ: "Tăng tuổi nghỉ hưu nhưng phải tăng có lộ trình, không nên cào bằng bởi mỗi công việc, ngành nghề có đặc điểm khác nhau".

Ông Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện tử Foster (TP Thủ Dầu Một), đề xuất giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu hiện hành. "Có nhiều ngành nghề, vị trí công việc, người lớn tuổi khó tiếp cận với máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ mới, do vậy không nên buộc họ làm thêm. Tuy nhiên, nếu như doanh nghiệp (DN) muốn tận dụng chất xám, kinh nghiệm của NLĐ có trình độ cao sau khi nghỉ hưu thì có thể thỏa thuận ký tiếp hợp đồng lao động. Khi đó NLĐ cũng có thể cống hiến cho DN và DN cũng có thể sử dụng năng lực của NLĐ" - ông Tín góp ý.

Tính lương lũy tiến khi làm thêm giờ

Về quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm của Bộ Luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu cho rằng trước đây, khi nghe được tăng giờ làm thêm, NLĐ rất háo hức vì sẽ có thêm một khoản thu nhập. Thế nhưng, hiện nay suy nghĩ của họ đã thay đổi.

Ông Lê Thanh Lâm, đại diện Công ty TNHH Daimon Việt Nam, phân tích: "NLĐ cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, hưởng thụ và chăm lo cho gia đình chứ không chỉ đi làm suốt ngày, một ngày tăng ca phải làm mười mấy giờ. NLĐ cũng biết nghĩ cho sức khỏe của bản thân nên không muốn làm việc đến kiệt sức để lấy tiền dưỡng già. Bởi theo họ, chiếc giường đắt nhất thế giới chính là giường bệnh". Nhiều đại biểu góp ý trong trường hợp bắt buộc tăng giờ làm thêm, về phía người sử dụng lao động và NLĐ phải tự thỏa thuận và luật nên quy định tính lũy tiến tiền lương thêm giờ trong ngày. Như vậy, buộc DN phải cân nhắc khi tổ chức làm thêm giờ và NLĐ bảo đảm được sức khỏe. Đối với vấn đề tính lũy tiến tiền lương làm thêm giờ phải thường xuyên có sự giám sát, kiểm tra của các ngành liên quan để DN thực hiện đúng như cam kết. Có như vậy mới kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ.

Ông PHẠM TRỌNG NHÂN, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương:

Bảo đảm quyền lợi người lao động

Ngoài vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu và giờ làm thêm, các đại biểu còn góp ý cụ thể nội dung dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) về tiền lương; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của NLĐ; chính sách đối với lao động nữ… Những ý kiến của các đại biểu sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tập hợp gửi Ban Soạn thảo luật xem xét. Tôi tin rằng Quốc hội sẽ lắng nghe một cách toàn diện, sâu sắc, khách quan để từ đó xem xét thông qua những quy định, điều khoản bảo đảm quyền lợi cho NLĐ và cả người sử dụng lao động trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay.

Bài và ảnh: Đỗ Trọng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/tang-tuoi-nghi-huu-khong-nen-cao-bang-20190912212039305.htm