Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần xét đến đặc thù giới và ngành của lao động nữ

Góp ý cho Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động, liên quan đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ý kiến từ đại diện lao động nữ một số ngành nghề cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu với lao động nữ nếu 'đánh đồng tất cả' là chưa phù hợp, cần xét đến yếu tố đặc thù về giới và ngành nghề.

Quy định vẫn có sự linh hoạt?

Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến tham gia Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 15/5, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Quy định không yêu cầu tất cả người lao động phải nghỉ hưu khi tới 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Cụ thể, quy định của luật điều chỉnh tuổi nghỉ hưu hướng đến 3 nhóm người lao động chủ yếu. Nhóm thứ nhất là những người có điều kiện lao động bình thường, nhóm này sẽ tăng tuổi nghỉ hưu như đã đề cập.

Góp ý cho Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động, liên quan đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ý kiến từ đại diện lao động nữ một số ngành nghề cho rằng việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu với lao động nữ nếu ‘đánh đồng tất cả’ là chưa phù hợp, cần xét đến yếu tố đặc thù về giới và ngành nghề

Góp ý cho Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động, liên quan đến việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ý kiến từ đại diện lao động nữ một số ngành nghề cho rằng việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu với lao động nữ nếu ‘đánh đồng tất cả’ là chưa phù hợp, cần xét đến yếu tố đặc thù về giới và ngành nghề

Nhóm thứ hai là những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm việc trong điều kiện độc hại, nặng nhọc nguy hiểm và những ngành nghề đặc biệt do Chính phủ quy định, những người này sẽ được giảm không quá 5 tuổi nghỉ hưu.

Nhóm thứ ba là nhóm người làm lao động quản lý có trình độ giỏi, chuyên môn tốt và các trường hợp đặc biệt cụ thể sẽ được công tác quá tuổi không quá 5 năm.

Theo ông Lợi, vấn đề cần thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu, bởi theo nhiều thống kê, lực lượng lao động mới bổ sung mỗi năm tại Việt Nam đã giảm tới 50% (từ 1 triệu người lao động mới xuống còn hơn 500 nghìn người). Nếu không tăng độ tuổi nghỉ hưu kịp thời, Việt Nam sẽ không đủ nhân lực để phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, hiện Nhà nước đã có rất nhiều giải pháp tổng thể, nhiều chính sách khác nhau nhằm giải quyết vấn đề mà người lao động đưa ra. Do đó, người lao động cần hiểu rõ tính tất yếu của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, tránh lấy cớ vì đặc thù lao động mà đề xuất không tăng tuổi nghỉ hưu gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, xã hội và nhiều chính sách khác.

Về ý kiến cho rằng nên đưa quyền lựa chọn độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng ý kiến này không khả thi. Do nhiều người lao động có nguyện vọng và sẽ chọn nghỉ hưu rất sớm nên cách làm này sẽ không tạo ra mặt chuyển biến trong thực tế lao động, sản xuất. Lý do ông Bình đưa ra là vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã được Chính phủ nghiên cứu và đánh giá tác động kỹ càng ngay từ giai đoạn đề xuất chính sách, đồng thời đã được thể hiện trong Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Do đó, người dân cần hiểu và tiếp tục góp ý về dự thảo luật để đạt được tỷ lệ đồng thuận cao nhất trước khi thông qua.

Ảnh minh họa

Lao động nữ có "tính đặc thù"

Tuy nhiên, ý kiến từ đại diện lao động nữ một số ngành nghề cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu với lao động nữ nếu “đánh đồng tất cả” là chưa phù hợp, cần phải xét đến yếu tố đặc thù về giới và ngành nghề.

Bà Phạm Hải Hà, đại diện cho người lao động tại Công ty TNHH linh kiện điện tử SEI, cho rằng, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu không hợp lý đối với tình hình sản xuất thực tế của công ty. Theo bà Hà, đặc thù của người lao động tại công ty phải làm các công việc bằng chân tay, phải đứng và sử dụng mắt rất nhiều. Vì vậy, vấn đề sức khỏe có ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ và năng suất làm việc, khi lớn tuổi, người lao động không thể đảm bảo các yêu cầu về năng suất làm việc và sản phẩm đầu ra. Trong khi đó, môi trường làm việc của công ty không được tính là độc hại và nguy hiểm hay đặc biệt, nên nếu áp dụng quy định mới, người lao động của công ty sẽ không được nghỉ hưu sớm 5 năm như dự thảo đề ra.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại TNG Thái Nguyên, là công nhân dệt may 17 năm nay qua, cũng cho rằng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nên xét đến yếu tố đặc thù ngành nghề cụ thể. “Công nhân dệt may đa số là nữ. Khi cao tuổi, chúng tôi không đủ sức khỏe lao động nữa, mắt mờ tay yếu, và sẽ không vận hành được máy, tai nạn lao động tất yếu sẽ xảy ra. Như vậy, việc tiếp tục lao động sau 55 tuổi như dự thảo đề xuất không giúp làm tăng năng suất, mà ngược lại còn làm khó các công nhân sản xuất”, chị Hiền nêu ý kiến.

Góp ý cho Dự thảo luật, chị Đinh Bích Hà, Phó hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị (Hà Nội), cho biết, hiện nay giáo viên cũng như cán bộ quản lý mầm non, khi góp ý về Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đều cho rằng tuổi nghỉ hưu sau 55 tuổi là rất khó khăn với các đặc thù của giáo viên mầm non.

Chị Đinh Bích Hà, Phó hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị (Hà Nội), cho biết, hiện nay giáo viên cũng như cán bộ quản lý mầm non, khi góp ý về Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đều cho rằng tuổi nghỉ hưu sau 55 tuổi là rất khó khăn với các đặc thù của giáo viên mầm non

Theo chị Hà, đến 55 tuổi thì giáo viên mầm non đã tham gia lao động là 30 năm, một ngày làm việc hơn 8 tiếng, bắt đầu 7 giờ sáng, nghỉ trưa nửa tiếng, kết thúc vào 5 giờ 30 chiều, lao động cả trí óc và chân tay.

Ảnh minh họa

“Sau một ngày làm việc phải dùng nhiều năng lượng để trẻ đến trường mỗi ngày là ngày vui, phải cập nhật các phương pháp giáo dục tiên tiến, tiếng Anh, mỗi tháng phải tổ chức các sự kiện lễ hội cho trẻ, cường độ càng ngày càng cao, áp lực từ phụ huynh cũng như xã hội ngày càng nhiều”, chị Hà nói.

Cần cân nhắc kỹ

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng: Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu với lao động nữ nên được cân nhắc theo hướng linh hoạt, không nên quy định “cứng”. Theo ông Hiểu, hiện nay sức khỏe của người lao động bị bủa vây bởi bệnh tật, thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm. Vì vậy, những người lao động trong tương lai gần sẽ không đạt tuổi thọ cao. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam đang thừa lao động và các cơ quan đang trong quá trình giảm biên chế, do đó, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu kỹ các vấn đề này trước khi ban hành luật, không nên đánh đồng tất cả người lao động.

Lệ Chi

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/tang-do-tuoi-nghi-huu-can-phai-xet-den-dac-thu-gioi-va-nganh-cua-lao-dong-nu-post59335.html