Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần tính tới đặc thù nghề nghiệp

Tổng Liên đoàn đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: Đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.

Đây là quan điểm nhất quán của cán bộ công đoàn được thể hiện tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 7 khóa XII diễn ra từ 9-10/9 tại Hà Nội.

Giáo viên khối giáo dục mầm non không mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Giáo viên khối giáo dục mầm non không mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) ở thời điểm hiện nay gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành, trong đó sửa đổi, bổ sung 162 điều trong tất cả các chương và sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Bên cạnh những nội dung đã được tiếp thu, bổ sung trong thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tập trung đề xuất và bảo vệ quan điểm đối với một số nội dung lớn trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.

Điều 169, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định tuổi nghỉ hưu:

“1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

2. Trong điều kiện lao động bình thường, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu cơ bản diễn ra ở các nước thiếu lao động, trong khi Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tình hình thiếu việc làm và thất nghiệp ở mức 2%/năm, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi 1,46%, mỗi năm trung bình có khoảng 1,2 triệu người bước vào thị trường lao động.

Việt Nam cũng đồng thời bước vào thời kỳ già hóa dân số, việc quy định tuổi nghỉ hưu phải tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, phải tính toán đến nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ (trong bối cảnh nước ta giảm biên chế) và nguyện vọng của một bộ phận người lao động lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân công trực tiếp, không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc trực tiếp sản xuất (hiện nay, nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều công nhân từ 35 - 45 tuổi) do độ tuổi càng lớn thì sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc của người lao động càng giảm, trong khi phải trả lương cao vì thâm niên làm việc.

Mặt khác, tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân thì chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép. Nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm, trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện.

Do vậy, Tổng Liên đoàn đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: Đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.

Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật.

Đối với những đối tượng này, phải đánh giá tác động và tiếp tục lắng nghe ý kiến trực tiếp từ họ; giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Đối với người lao động bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định.

Đồng thuận với quan điểm là xu hướng cần tăng dần tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên, ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho rằng: Qua nắm bắt tư tưởng, phần lớn người lao động làm việc trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, cần xem xét tính toán toán lộ trình cho hợp lý.

Bàn về vấn đề này, ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: Công đoàn ngành đã lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, giáo viên, trong đó phần lớn giáo viên, đặc biệt trong khối giáo dục phổ thông, khối giáo dục mầm non, mẫu giáo không mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

“Có cô giáo mầm non chia sẻ với tôi: 52 tuổi, chúng em đã không thể múa, không thể hát được cho các cháu nghe, vậy mà bây giờ kéo dài đến 60 tuổi, thậm chí 62 tuổi thì chúng em không làm được”.

Ông Đức cũng cho biết, có ý kiến cho rằng có thể sắp xếp vị trí việc làm khác cho các giáo viên cao tuổi, tuy nhiên, theo ông Đức, việc này rất khó vì định biên tại các trường học đã “phích” cứng, thậm chí 40 cháu mới có 1 cô nuôi, nên sẽ rất khó bố trí việc làm khác. Kể lại câu chuyện trên, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu cần tính tới đặc thù nghề nghiệp.

Đồng thuận với quan điểm của ông Vũ Minh Đức, bà Trịnh Thị Thanh Hằng – Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Qua khảo sát và tiếp xúc với nhiều nữ giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non tuổi cao đều chia sẻ không thể tiếp tục đứng lớp, nhưng cũng rất khó bố trí công việc.

Vì vậy, bà Hằng đề nghị cần xem xét bổ sung trong Luật đối tượng lao động làm việc ở chế độ đặc thù, như: Giáo viên mầm non, diễn viên xiếc, công nhân sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, linh kiện điện tử, chế biến nông lâm thủy sản...

Từ thực tế lao động trong ngành và lắng nghe tâm tư từ người lao động, ông Vũ Xuân Thủy - Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đồng tình với quan điểm: Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải tính tới yếu tố đặc thù và cần có quy định riêng đối với những đối tượng lao động làm việc nặng nhọc, độc hại.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-tuoi-nghi-huu-can-tinh-toi-dac-thu-nghe-nghiep-96273.html