Tăng tuổi nghỉ hưu: Ai hiểu được nỗi cơ cực của NLĐ?

Theo nhiều bạn đọc, không thể so sánh tuổi nghỉ hưu của người Việt và các nước khác vì điều kiện sống, mức lương, điều kiện làm việc của ta kém xa họ

Góp ý vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu, tại các hội thảo góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), nhiều chuyên gia lao động, cán bộ Công đoàn (CĐ), đặc biệt là người lao động (NLĐ) đề nghị Ban soạn thảo cần lắng nghe nguyện vọng của NLĐ. "Không thể so sánh tuổi nghỉ hưu của người Việt và các nước khác vi điều kiện sống, mức lương, điều kiện làm việc của ta kém xa họ. Hơn nữa ta đang trong thời kì dân số vàng, lớp trẻ ra trường thất nghiệp nhiều"- nhiều bạn đọc bày tỏ.

Bạn đọc có nickname hungdeptr, góp ý: Tôi đề nghị giữ nguyên Luật hiện hành. Hiện nay dân số 96.200.000 người rồi, tăng tuổi chắc gì doanh nghiệp (DN) tư nhân người ta nhận người già, lao động hơi lớn tuổi là họ tìm cách thay bằng lao động trẻ. Vậy nên để NLĐ có quyền quyết định có làm thêm thì khi hết tuổi hưu. Không nhất thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu.

Đại bộ phận người lao động không ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Đại bộ phận người lao động không ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Đồng quan điểm, bạn đọc tên Thanh, chia sẻ: Thật tình mà nói NLĐ không ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu, mà trái lại họ còn muốn giảm. Nghỉ hưu 55 tuổi đối với nữ và 60 đối với nam là hợp lý rồi. Vì trên tuổi đó sức khỏe đã kém, thao tác lại chậm chạp. Chỉ có những người có chức có quyền họ mới mong muốn kéo dàị tuổi hưu vì họ không lao động trực tiếp, do đó không thể nào hiểu được công việc buộc phải dùng sức của NLĐ. Nên giữ nguyên quy định hiện hành, còn những người nào muốn tiếp tục làm thì có thể làm theo hợp đồng thời vụ. Tương tự, một bạn đọc tên Nam, góp ý thẳng thừng: "Khối hành chính sự nghiệp thì nên cho về sớm hơn chứ chất xám đã giảm, vào bàn làm việc chỉ có lên mạng tán gẫu hay chơi game thì tốn tiền ngân sách trả lương lắm". Bạn đọc có nickname Lubu, đặt câu hỏi: " Số liệu thống kê dân số 2019 đã có, sao BHXH không lấy số liệu mới nhất bao gồm: tuổi thọ nữ giới, tuổi thọ nam giới làm căn cứ pháp lý tính hưu để NLĐ tâm phục khẩu phục?".

Theo bạn đọc Bùi Xuân Sơn, tuy tuổi thọ có tăng nhưng chất lượng cuộc sống của người lớn tuổi ở Việt Nam rất thấp, phần lớn sống phải đối diện bệnh tật. Theo tôi, cứ giữ nguyên quy định cũ, ai còn sức khỏe ra ngoài làm thêm có sao đâu, đừng lấy lý do vỡ quĩ BHXH". Bạn đọc Kim Thương bày tỏ: "Bộ trưởng LĐ-TB- XH cần phải nghe ý kiến của những người trong cuộc để hiểu rõ vấn đề, không nên tăng hưu một cách máy móc, đừng copy ở nước ngoài áp dụng vào Việt Nam. Ông hãy thấu hiểu nổi cơ cực của những NLĐ động trong những ngành nghề đặc biệt. Nên giữ nguyên quy đĩnh hiện hành, ai muốn làm thêm thêm thì hợp đồng thêm. Hãy vì những người dân Việt của mình".

Theo nhiều bạn đọc, không thể so sánh tuổi nghỉ hưu của người Việt và các nước khác vi điều kiện sống, mức lương, điều kiện làm việc của ta kém xa họ

Ở một góc nhìn xa hơn, bạn đọc lehoangliem, góp ý: "Đồng ý tăng tuổi nhưng là với người bắt đầu tham gia lao động tại thời điểm sau khi luật có hiệu lực. Nghĩa là nếu thông qua có hiệu lực từ năm 2021 thì phải trên 30 năm sau mới có người nghỉ hưu 60 với nữ và 65 với nam. Lúc này kinh tế đã phát triển, tầm vóc, thể lực người Việt Nam đã được nâng lên. Để NLĐ không thiệt thòi quyền lợi, bạn đọc Hoàng Sơn cho rằng để công bằng cho NLĐ, cứ 16 năm đóng BHXH được hưởng 45% lương trung bình 6 năm liền kề và mỗi năm đóng bảo hiểm được hưởng 2% đối với nam và 3% đối với nữ. Cứ thế mà tính ai muốn nghỉ khi nào cũng được không ảnh hưởng đến tuổi đời.

Bài và ảnh: AN CHI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/tang-tuoi-nghi-huu-ai-hieu-duoc-noi-co-cuc-cua-nld-20190718091225736.htm