Tăng tuổi nghỉ hưu - ai được lợi?

Đề xuất điều chỉnh tuổi hưu theo lộ trình từ năm 2021 đến khi đạt 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ vẫn đang nhận được 2 luồng ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tính toán lại mốc tuổi và thực hiện tăng ở khối hành chính sự nghiệp trước khu vực sản suất từ 5-10 năm.

Việc điều chỉnh tuổi hưu cần tính toán thận trọng, đặc biệt với khối lao động trực tiếp

Việc điều chỉnh tuổi hưu cần tính toán thận trọng, đặc biệt với khối lao động trực tiếp

Không thể trì hoãn

Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi; hoặc tuổi nghỉ hưu của người lao động mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ.

Lý giải nguyên nhân đề xuất, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu và cũng là nhu cầu thật sự cần thiết của Việt Nam hiện nay. Ở thời điểm này, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đề ra.

Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số năm hưởng lương hưu bình quân là 19,5 năm, trong đó nam là 16,1 năm và nữ 22,9 năm. Nhưng tính trung bình, tiền đóng bảo hiểm xã hội của một người trong 28 năm chỉ đủ chi trả cho chính người đó trong vòng 10 năm. Cho nên, những năm còn lại, lương hưu sẽ phải lấy từ nguồn đóng góp, chia sẻ của các thế hệ sau. Bộ LĐ-TB&XH cũng dẫn nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế năm 2012 và cho rằng, nếu không sớm thực hiện cải cách thì đến năm 2034, quỹ hưu trí của Việt Nam sẽ bị thâm hụt.

Trong các cuộc khảo sát, nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hầu hết người lao động được hỏi đều không đồng tình với việc tăng tuổi hưu. Trong quá trình xây dựng pháp luật, việc nhận được sự đồng thuận là rất quan trọng. Chỉ khi quyền lợi của người lao động được đảm bảo thì họ mới yên tâm lao động sản xuất.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tuổi hưu cũng để bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam. Việt Nam đang chuẩn bị bước sang giai đoạn “dân số già”, nghĩa là tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm mạnh. Trong khi đó, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng. Tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3; cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (72 tuổi).

Phân tích thêm về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ theo trong cả 2 phương án đều là lộ trình chậm để tránh phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai. Nếu chọn theo khuyến nghị là phương án 1, thì đến năm 2028 nam giới mới nghỉ hưu ở tuổi 62 và phải đến năm 2035 nữ mới nghỉ hưu ở tuổi 60. Trên thực tế, hầu hết các nước đều gặp khó khăn khi điều chỉnh tuổi hưu.

Tranh luận chưa đến hồi kết

Mặc dù cơ quan soạn thảo đã dẫn chiếu nhiều nghiên cứu khoa học cũng như đưa ra báo cáo đánh giá tác động cụ thể, nhưng người lao động vẫn tỏ ra rất băn khoăn. Nhiều công nhân lao động cho rằng các viện dẫn của ban soạn thảo khi đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là chưa hợp lý, không có lợi cho cho họ, bởi độ tuổi có sức khỏe để làm việc của mỗi quốc gia khác nhau.

Bày tỏ ý kiến không đồng tình với đề xuất tăng tuổi hưu, anh Nguyễn Văn Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi được khá nhiều ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, đó mới là tính toán trên giấy tờ, nhưng diễn biến trên thực tế có những điểm khác cần tính đến. Cơ quan soạn thảo đưa ra nhiều dẫn chứng, kinh nghiệm quốc tế nhưng chưa có đánh giá cụ thể nào liên quan đến sức khỏe của người lao động. Tôi cho rằng, cơ quan soạn thảo cần phải đưa ra được những dẫn chứng cụ thể xem ở tuổi 60 trong các lĩnh vực, người lao động còn bao nhiêu % đủ sức khỏe làm việc”.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, thực tế trong nhiều ngành kinh tế tư nhân, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông, cả người lao động và doanh nghiệp đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Người lao động làm công việc chân tay thường khó làm việc đến tận 60 tuổi. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp thủy sản, ngay cả với quy định nghỉ hưu hiện nay (55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam), tại các doanh nghiệp thủy sản, trừ khối văn phòng của doanh nghiệp thì các công nhân, nhân viên trong doanh nghiệp (như nhân viên nhà ăn, nhân viên bảo vệ,…) đều không chờ được đủ tuổi về hưu mà đa phần xin nghỉ việc trước tuổi để hưởng chế độ trợ cấp một lần vì không đủ sức khỏe tiếp tục làm việc.

Cho nên, cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét phương án chỉ nâng tuổi nghỉ hưu đối với những người giữ chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp hoặc những người làm việc trí óc. Việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với các công việc còn lại chỉ nên tiến hành khi Việt Nam đã kết thúc hoặc gần kết thúc thời kỳ dân số vàng và khu vực sản xuất nên có độ trễ 5-10 năm so với khu vực hành chính.

Thận trọng xem xét thấu đáo vấn đề

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong bối cảnh già hóa dân số, Việt Nam phải tính đến việc điều chỉnh tuổi hưu. Tuy nhiên, tăng tuổi hưu là vấn đề lớn, liên quan đến hàng chục triệu lao động nên phải cân nhắc kỹ hơn về quy định này. Trong các cuộc khảo sát, nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hầu hết người lao động được hỏi đều không đồng tình với việc tăng tuổi hưu. Trong quá trình xây dựng pháp luật, việc nhận được sự đồng thuận là rất quan trọng. Chỉ khi quyền lợi của người lao động được đảm bảo thì họ mới yên tâm lao động sản xuất.

Đánh giá về nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, các chuyên gia lao động cho rằng, hầu hết người dân đã quá quen với độ tuổi nghỉ hưu nên gần như không chấp nhận sự thay đổi này. Để đạt được đồng tình, cơ quan quản lý phải nghiên cứu một cách thấu đáo vấn đề. Cơ quan soạn thảo cũng cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động cụ thể.

Đồng thời, xác định đâu là ngành nghề bị suy giảm khả năng lao động, đâu là ngành nghề bị tác động bởi yếu tố điều kiện lao động, ảnh hưởng sức khỏe mà không thể kéo dài thêm thời gian lao động. Người lao động trực tiếp luôn muốn giảm tuổi nghỉ hưu, khu vực công lại muốn nâng tuổi nghỉ hưu, cơ quan soạn thảo phải đưa ra được giải pháp phù hợp để hài hòa lợi ích chung của người lao động.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, thực tế, nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mới đang là đề xuất và còn rất nhiều thời gian để lấy ý kiến các đối tượng, đặc biệt là ý kiến nhân dân, để tạo ra sự đồng thuận. Một chính sách ra đời không phải chỉ để áp dụng cho một nhóm người hoặc ưu tiên nhóm người này, không ưu tiên nhóm người khác, mà phải thể hiện tính thống nhất và tính đồng bộ, có như vậy chính sách đó mới được sự ủng hộ của đại đa số đối tượng điều chỉnh.

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/tang-tuoi-nghi-huu-ai-duoc-loi/815950.antd