Tăng trưởng xanh - khó nhưng chắc

Việt Nam không phải là nước phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu nhiều nhưng lại thuộc tốp 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Điều này thể hiện khá rõ qua nhiều hình thái thời tiết cực đoan gây ra hàng loạt đợt mưa bão với vũ lượng mạnh, làm tổn thất nặng nề nền kinh tế cũng như đời sống của người dân Việt Nam. Thế nhưng, bất chấp những khó khăn phải đối mặt, Chính phủ Việt Nam vẫn kiên trì với chính sách tăng trưởng xanh.

Chính sách tăng trưởng xanh được Chính phủ đưa ra từ năm 2012 - khá mới mẻ và buộc các cơ quan chức năng liên quan, doanh nghiệp và người dân phải nỗ lực chuyển đổi từ quản lý, công nghệ sản xuất đến thói quen tiêu dùng. Với cơ quan chức năng, phải ban hành lại hàng loạt quy định xung quanh việc triển khai giải pháp tăng trưởng xanh. Phải kể đến nhất là Luật Môi trường nâng mức xử phạt hành vi vi phạm môi trường lên đến 2 tỷ đồng. Người có hành vi vi phạm quy định bảo vệ môi trường có thể phải đối mặt với hình thức xử phạt hình sự.

Với doanh nghiệp, họ phải đầu tư, cải tạo dây chuyền, công nghệ sản xuất, định vị lại dòng sản phẩm trên thị trường. Thực tế này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi có đến 96% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Việc đầu tư lại dây chuyền sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp phải có số vốn nhất định và không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ điều kiện này. Và cuối cùng, người dân phải thay đổi thói quen tiêu dùng. Thay vì ưu tiên mua sản phẩm giá rẻ của những doanh nghiệp sản xuất không thực hiện bảo vệ môi trường, người dân sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp Xanh.

Tuy vậy, những thay đổi trên đã tạo nên nền tảng vững chắc để kinh tế Việt Nam có những bước nhảy vọt trong những năm gần đây. Phải kể đến các doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu, không ngừng đưa hàng Việt vượt qua những rào cản kỹ thuật khắt khe về môi trường, vươn rộng và đi sâu vào 200 thị trường thế giới. Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với nhiều quốc gia trên thế giới, và trong bất kỳ một hiệp định nào thì yếu tố an toàn về môi trường là điều không thể thiếu. Thế nhưng, với nền tảng “xanh” được xây dựng và chuẩn bị sẵn từ năm 2012, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều đã vượt rào cản môi trường và tận dụng ngay thời thời gian vàng để gia tăng xuất khẩu, chiếm lĩnh thị phần. Ở chiều ngược lại, tại thị trường nội địa, xu hướng tiêu dùng xanh cũng mở ra dư địa rộng hơn cho doanh nghiệp sản xuất xanh phát triển. Hơn nữa, mở ra những điều kiện cần và đủ để Việt Nam hình thành và phát triển thị trường mua bán tín chỉ cácbon rất tiềm năng.

Chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ cũng đã thúc đẩy hoạt động tiêu dùng xanh phát triển. Người dân phải tăng chi phí sinh hoạt nhưng ngược lại những chi phí cho an sinh, khám chữa bệnh do môi trường ô nhiễm, do tiếp cận thực phẩm thiếu an toàn vệ sinh giảm đi. Quan trọng hơn, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng tăng lên đáng kể.

Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được các bộ ngành liên quan điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội mới, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6-2021. Chiến lược này cùng với nền tảng tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã thực hiện sẽ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển kinh tế bền vững, mà quan trọng hơn còn góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

ÁI VÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tang-truong-xanh-kho-nhung-chac-735760.html