Tăng trưởng và suy nghĩ

Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XII) vừa kết thúc cuối tuần trước. Trung ương nhất trí cho rằng, trong 9 tháng đầu năm 2018, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Dự báo, đến cuối năm 2018, có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức.

Hình minh họa

Không phải là “ta khen ta” đâu. Trước khi Hội nghị Trưng ương 8 kết thúc một ngày, cuối chiều 5/10, Ngân hàng Standard Chartered phát đi thông cáo về báo cáo dự báo kinh tế Việt Nam. Báo cáo có tựa đề "Vietnam - Fast, not furious, growth" (tạm dịch: Việt Nam - tăng trưởng nhanh nhưng không nguy hiểm).

Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á của Standard Chartered nhận định: "Việt Nam tăng trưởng 7,1% trong nửa đầu năm, trong đó quý II có chậm lại một chút so với mức 7,4% của quý I, điều này phù hợp với dự báo của chúng tôi. Kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra đến nay, đây là năm đầu tiên mức tăng trưởng trong quý II chậm hơn quý I.

Chúng tôi tin rằng đây là dấu hiệu cho thấy sự tập trung vào tăng trưởng bền vững trong trung hạn. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ, dù chậm hơn một chút so với nửa đầu năm". Theo đánh giá của họ, Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2018 và 2019 - giống như năm 2017.

Tuy nhiên, Trung ương cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, kinh tế - xã hội của đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, còn tiềm ẩn một số yếu tố có thể tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an ninh, trật tự xã hội.

Đúng là chúng ta có nhiều điều để không được chủ quan. Hãy xem một lĩnh vực thôi là đầu tư cho giao thông, buộc phải suy nghĩ. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, 80% các sân bay Việt Nam hoạt động với công suất thấp hơn 5%, trong đó có đến 8% các sân bay làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có các cụm cảng biển đầu tư nhiều nhưng công suất sử dụng dưới 2%.

Việt Nam sẽ có hệ thống cảng nước sâu và hệ thống sân bay nhiều nhất thế giới so với quy mô của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo chuyên gia của WB, hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực này không đạt yêu cầu, chưa kết nối tốt với hệ thống giao thông nội địa cũng như ngân sách cho duy tu bảo dưỡng còn thấp… Câu chuyện 2 đường băng 2 sân bay trọng điểm là Nội Bài, Tân Sơn Nhất thiếu vốn do duy tu, sửa chữa nói lên rằng chính sách đầu tư và quản trị đang rất có vấn đề.

Nhiều “thách thức” do chính chúng ta tạo ra, cản trở việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như của từng doanh nghiệp và sản phẩm… bao giờ cũng liên quan với nhau.

Từ Tâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ca-phe-luat/tang-truong-va-suy-nghi-416488.html