Tăng trưởng tín dụng: Lượng phải đi đôi với chất

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2017, tín dụng tăng 18,17%, đạt kế hoạch đề ra. Đây là mức tăng khá cao so với một vài năm trở lại đây. Trong bối cảnh nợ xấu vẫn còn nhiều bất ổn, nhiều ý kiến đã lo ngại việc chạy theo số lượng tăng trưởng sẽ 'lơ là' chất lượng tín dụng. Nhưng phía cơ quan quản lý đã đưa ra cam kết sẽ kiểm soát chất lượng tín dụng ổn định và đúng mục tiêu.

Tín dụng cần được kiểm soát và có biện pháp phòng ngừa rủi ro hợp lý. Ảnh: Hữu Linh.

Tín dụng có đà tăng mạnh

Xét về tăng trưởng tín dụng trong những năm trở lại đây, có thể thấy đây đều là những con số ấn tượng. Cụ thể, theo NHNN, năm 2015, tín dụng tăng trưởng 17,29%; sang năm 2016, tín dụng vọt tăng 18,71%; đến cuối năm 2017, tín dụng tăng 18,17%. Nguyên nhân cho tăng trưởng tín dụng này được NHNN lý giải là do thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn tín dụng đã được khơi thông và tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, qua đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, tín dụng có nhiều điều kiện để tăng mạnh do vấn đề lãi suất đã được kiểm soát ổn định, cùng nhiều chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Vì thế, vào giữa năm 2017, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực giảm lãi suất thông qua một số chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển DN với lãi suất thấp hơn trần của NHNN (thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm...

Vì thế, trong năm 2018, mục tiêu được hệ thống ngân hàng và Chính phủ đặt ra là tiếp tục tìm điều kiện để giảm lãi suất nên tăng trưởng tín dụng vẫn được NHNN đặt mục tiêu cao, khoảng 17%. Nhất là khi năm 2018 sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực trong việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, từ đó sẽ khơi thông nguồn vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ thuận lợi cho DN vay vốn đầu tư, kinh doanh.

Ngại rủi ro

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào cuối năm 2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, bên cạnh việc mở rộng tín dụng, hệ thống ngân hàng đã tập trung rất mạnh cho việc đảm bảo an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng rất thận trọng để tránh những tác động bất lợi đến cân đối vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và giữ được an toàn hoạt động ngân hàng.

Vì thế, theo báo cáo tổng kết của NHNN, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát đã tăng với tốc độ chậm lại. Cụ thể: Đến cuối tháng 11/2017, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03% so với cuối năm 2016; tín dụng đối với DN nhỏ và vừa tăng 11,53%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%...

Tuy nhiên, nhìn vào tổng quan thị trường trong năm 2017, tín dụng tăng mạnh nhưng tiềm ẩn một số yếu tố có thể gây cản trở sự phát triển của hệ thống. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn có xu hướng giảm sau khi tăng liên tục trong giai đoạn 2013-2016. Tín dụng trung dài hạn chiếm 53,7% tổng tín dụng (năm 2016 là 55,1%).

Hơn nữa, mặc dù tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân của hệ thống TCTD giảm nhẹ, ước khoảng 31,2% (cuối năm 2016 là 34,5%) nhưng Ủy ban này cho rằng, vẫn còn một số ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn về cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn cao (70-80%), tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn gần 50% (vượt mức quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/1/2018). Do vậy, các ngân hàng cần chú trọng việc cân đối lại kỳ hạn huy động và cho vay để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, đồng thời cũng đảm bảo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN.

Thực tế là về vấn đề tăng trưởng tín dụng cao của Việt Nam, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo bởi việc này ảnh hưởng đến chất lượng tài sản, làm gia tăng nợ xấu. Đặc biệt, với các ngân hàng nhỏ, theo PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tín dụng tăng cao sẽ gây áp lực cho các ngân hàng vừa và nhỏ khi các ngân hàng này chưa đủ tiềm lực để xử lý nếu khách hàng mất khả năng thanh toán; trong khi tín dụng cho các lĩnh vực như bất động sản, giao thông thường có lượng vốn lớn. Hiện tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam đã giảm nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá trị trường còn rất hạn chế; quá trình cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn chậm.

Dù vậy, trong nền kinh tế, rủi ro tín dụng luôn là vấn đề song hành của tăng trưởng tín dụng nên không thể tránh khỏi những nguy cơ, vấn đề là làm thế nào để tăng tính chủ động cũng như tăng khả năng thích ứng của các tổ chức tín dụng khi đưa vốn ra nền kinh tế. Vì thế, bên cạnh khả năng điều hành, kiểm soát của NHNN, các ngân hàng khi cho vay đều phải tính đến hiệu quả, tính đến phương án sản xuất của DN để quyết định, không vì thành tích, số lượng hay những “mối quan hệ” mà bỏ qua nguy cơ, rủi ro.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tang-truong-tin-dung-luong-phai-di-doi-voi-chat.aspx