Tăng trưởng tín dụng đạt 10,14%

Với mức tăng trưởng đạt 10,14% đến ngày 21/12, ước tính đã có hơn 831.000 tỷ đồng được hệ thống ngân hàng bơm ra thị trường qua kênh tín dụng từ đầu năm.

Chia sẻ tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 diễn ra sáng nay (24/12), ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và tình hình mưa lũ, thiên tai tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, NHNN vẫn điều hành tín dụng với tốc độ tăng trưởng phù hợp mức độ hấp thụ của nền kinh tế.

Trong đó, tín dụng chủ yếu được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên, và kiểm soát chặt với dòng tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Chính sách tín dụng phù hợp của NHNN đã góp phần quan trọng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế sau dịch.

Trong hoạt động cho vay, các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, do cầu tín dụng yếu bởi tác động tiêu cực của dịch bệnh nên tín dụng tăng thấp hơn các năm trước. Đến 21/12, tín dụng đã tăng trưởng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so với cùng kỳ năm 2019.

Với mức tăng trưởng kể trên, ước tính các ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế hơn 831.000 tỷ đồng qua kênh tín dụng từ đầu năm, tương đương gần 2.368 tỷ đồng/ngày.

Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cũng thông tin, đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng. Thực hiện miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các ngân hàng đã cho vay với lãi suất ưu đãi (thấp hơn 0,5-2,5%/năm so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.

Với riêng hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01, ngân hàng đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168.000 khách với dư nợ 4.183 tỷ, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng.

Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí vào khoảng 1.004 tỷ đồng.

Theo thông tin từ NHNN, đến 18/12, tổng phương tiện thanh toán M2 đã tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ năm 2019.

Về điều hành lãi suất, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2%/năm; giảm 0,6-1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. NHNN cũng là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực.

Tính đến tháng 11 năm nay, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đã giảm bình quân 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm.

Trong hoạt động thanh toán không dùng tiền, đến cuối tháng 10, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đã đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm năm trước). Trong giao dịch thanh toán qua Internet, số lượng đã đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị hơn 22,2 triệu tỷ (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch).

Nếu so với cùng kỳ năm 2016, 10 tháng đầu năm nay, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã tăng 83,67% về số lượng và 135,04% về giá trị; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet tăng 276,4% và 343%; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 1.037% và 972,5%.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tang-truong-tin-dung-dat-10-14-post1166342.html