Tăng trưởng phải đi đôi với phát triển toàn diện

Hôm qua (2-11), Quốc hội dành thời gian buổi sáng để tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước. Các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như y tế, giáo dục, lao động, việc làm... được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm. Nhìn chung, sau hơn hai ngày thảo luận, Quốc hội hoàn toàn tin tưởng, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, giám sát của Quốc hội, chúng ta sẽ hoàn thành thắng lợi các kế hoạch về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018.

Vị thế của đất nước đã được cải thiện đáng kể

Phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là việc tăng trưởng kinh tế, mặc dù đạt mục tiêu đề ra nhưng còn thiếu bền vững, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), người dân để tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Từ những kết quả đó, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 của Việt Nam đã tăng được 5 bậc; môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 dự kiến sẽ tăng 14 bậc; mức tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam được đánh giá tích cực, đây là những tín hiệu rất đáng mừng của nền kinh tế.

Phó thủ tướng khẳng định, mặc dù nhiều yếu tố ảnh hưởng rất bất lợi cho tăng trưởng kinh tế nhưng kết quả tăng trưởng đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực mà tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế ở cả 3 khu vực, đặc biệt là ngành khai khoáng giảm mạnh nhưng chúng ta vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng. Lần đầu tiên nền kinh tế tăng trưởng không phụ thuộc vào ngành khai khoáng. Điều đó cho thấy, nền kinh tế đã tăng trưởng tích cực, đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo để tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng hợp lý ở các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải lấy DN làm động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội vì DN sẽ tạo ra tăng trưởng, tạo việc làm và đóng góp lớn vào ngân sách. Cùng với đó thì sự tham gia của người dân với tư cách là những người quyết định thành công của quá trình sản xuất, hưởng lợi trong quá trình phân phối.

Về công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu được nhiều đại biểu quan tâm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tính từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm đất nước ta thiệt hại khoảng 36.000 tỷ đồng (0,7% GDP). Phó thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo lũ ống, lũ quét và các khu vực sạt lở đất do mưa lũ tại khu vực miền núi còn rất bị động và rất hạn chế. Đây là nguyên nhân chính khiến các địa phương không thể chủ động ứng phó được với những thiệt hại khi thiên tai ở những khu vực này xảy ra. Bên cạnh đó, nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu còn rất hạn chế...

Chú trọng nâng cao chất lượng sống của người dân

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tỏ ra lo ngại khi tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và người lao động phải đối mặt với tình trạng bị sa thải khi tuổi cao. An toàn giao thông, an toàn tính mạng và sức khỏe của nhân dân vẫn là nỗi băn khoăn lo lắng của nhiều người. Đại biểu khẳng định, tăng trưởng là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Nhưng không có nghĩa, tăng trưởng cao thì sẽ phát triển tốt nếu phân bổ ngân sách không có sự cân đối và công bằng. Vì vậy, tăng trưởng phải đi đôi với phát triển toàn diện để không ai bị bỏ lại phía sau như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là “tăng trưởng và phát triển bền vững” là hướng đi mà nước ta cần kiên trì thực hiện.

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám, tư vấn sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Cù Hương

Đại biểu Trần Thị Hằng, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đặt vấn đề: Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm đối với lao động trẻ từ 15 đến 24 tuổi có chuyên môn kỹ thuật vẫn có xu hướng tăng lên; gần 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm. Về chỉ số phát triển con người của nước ta còn thấp và chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân của nước ta năm 2016 là 73,4 tuổi, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 năm; trong 30 năm chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam mới tăng được 3cm. Nhiều ý kiến cho rằng đi làm việc để tích lũy kinh tế chỉ đủ chi cho chữa bệnh vào những năm cuối của cuộc đời.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, không thể phủ nhận sự cố gắng của Bộ Y tế và BHXH trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thời gian qua. Mục đích cao nhất của ngành y tế là chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng phải tốt hơn, đồng thời bảo đảm cân đối Quỹ BHYT trong hoàn cảnh ngân sách quốc gia còn nhiều khó khăn. Theo đại biểu, cần xem xét lại các quy trình khám, chữa bệnh, cấp thuốc của bệnh nhân có sử dụng thẻ BHYT, tránh các bất cập làm mất công sức người bệnh, ùn tắc bệnh viện và lãng phí Quỹ BHYT. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế về trình độ và y đức, cần có chế độ kiểm tra, giám sát minh bạch hoạt động của nhân viên y tế. Đại biểu cho rằng: Rất cần có các hội đồng y khoa độc lập hoàn toàn với BHXH và Bộ Y tế để xem xét các tranh cãi về chỉ định cách thức tiến hành, kết quả của một phương pháp điều trị là đúng hay sai; tránh hiện tượng trục lợi Quỹ BHYT cũng như sự áp đặt xuất toán của BHYT không được các bệnh viện tâm phục, khẩu phục như đang diễn ra hiện nay.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH TP Hà Nội đánh giá, hiện các cơ sở y tế và cơ quan BHYT thường xuyên có sự xung đột càng ngày càng rõ nét. Trong khi cơ sở y tế cần có kinh phí để khám, chữa bệnh cho nhân dân, còn BHYT thì cố gắng giữ để không bị vỡ quỹ. Theo đại biểu, giải pháp trước mắt là hai bên cần cởi mở, thẳng thắn và chân thành hơn để tháo gỡ vướng mắc, tất cả vì lợi ích của bệnh nhân, bởi dù bên nào thắng hay thua thì bệnh nhân vẫn là người thiệt thòi.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ra thực tế, người đóng BHYT thì có trần mức đóng, nhưng thụ hưởng BHYT thì gần như vô hạn, điều này hết sức vô lý. Cùng với một loạt quy định như: Thông tuyến bảo hiểm, liên thông xét nghiệm...; quy định mục nào, xét nghiệm nào được quyết toán đã làm rối tung hoạt động của BHYT và công tác khám, chữa bệnh. Đại biểu nhấn mạnh: Xin hãy để cho các cơ sở y tế có quyền chủ động quyết định các biện pháp điều trị; để BHYT làm đúng công việc của mình, đừng bắt họ làm ông chủ bất đắc dĩ; bệnh nhân tham gia BHYT có quyền lựa chọn dịch vụ cho mình, phù hợp với đồng tiền mà mình đã đóng. Luật BHYT cần được sửa lại theo hướng thẻ BHYT phải có mệnh giá và mức thanh toán phải có trần theo mệnh giá. Trong đó, ưu tiên cấp thẻ BHYT cho người nghèo với mệnh giá cao, người bệnh có quyền lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh, thầy thuốc, dịch vụ, thuốc men theo mệnh giá thẻ... Bảo hiểm y tế trở lại nhiệm vụ chính là mở rộng đối tượng tham gia và tham gia mạnh mẽ hơn trong các hoạt động phòng ngừa vỡ quỹ, cũng như việc lạm dụng thẻ BHYT.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-truong-phai-di-doi-voi-phat-trien-toan-dien-522493