Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2018 sẽ vượt mục tiêu

Đó là dự báo trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2018 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố sáng 10/10 tại Hà Nội. Nền tảng quan trọng của dự báo này là GDP 9 tháng đầu năm ước tăng 6,98% - cao nhất tính từ năm 2011 đến nay.

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018, tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý III/2018 tăng trưởng tích cực ở mức 6,88% và tính chung 9 tháng đầu năm GDP tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

“Con số tăng trưởng quý III cao hơn mức tăng trưởng quý II (6,73%), xua tan các nhận định về tính giảm dần của tăng trưởng các quý trong năm 2018. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,98%, mức tăng 9 tháng cao nhất kể từ năm 2011. Với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của quý III, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay”, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nhấn mạnh.

PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR phát biểu tại Tọa đàm

Trong đó, ngành được coi là động lực chính của tăng trưởng – công nghiệp chế biến, chế tạo - tiếp tục tăng trưởng cao 12,9%. Tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, tại buổi Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III - 2018, VEPR và các chuyên gia kinh tế tham dự đều có chung một nhận định là nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa phải là nền kinh tế được công nhận là nền kinh tế thị trường, chưa thực sự tăng trưởng ổn định.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới.

Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành cần phải cập nhật đầy đủ thông tin về tình hình dự trữ ngoại tệ quốc gia, thông tin về điều chỉnh tỉ giá, các chính sách về thuế, phí... Bởi chỉ khi có đầy đủ thông tin, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong nước, quốc tế mới có được cách ứng xử và đưa ra những quyết định chính xác nhất về đầu tư, phát triển doanh nghiệp, xuất nhập khẩu...

Đồng thời, về mặt vĩ mô, Việt Nam cần tranh thủ nỗ lực tạo thêm dự địa chính sách để tăng sức chịu đựng trước những rủi ro sắp tới từ môi trường toàn cầu. Đó là việc tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách, tăng thặng dư thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và chống tham nhũng…

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/tang-truong-kinh-te-viet-nam-2018-se-vuot-muc-tieu-3705.html