Tăng trưởng kinh tế thấp, báo chí Trung Quốc quyết đấu Mỹ

Kinh tế phụ thuộc xuất khẩu, ngành công nghiệp Trung Quốc chịu thiệt mạnh vì thuế quan.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) mới đây công bố các số liệu thống kê kinh tế vào tháng 5 cho thấy, ngành công nghiệp sản xuất của nước này đang suy giảm mạnh so với tháng 4. Tin tức buồn diễn ra trên các lĩnh vực sản xuất và lắp ráp, nhiều lĩnh vực trong số đó phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Kinh tế phụ thuộc xuất khẩu khiến Trung Quốc chịu đòn nặng vì thương chiến.

Kinh tế phụ thuộc xuất khẩu khiến Trung Quốc chịu đòn nặng vì thương chiến.

Thước đo sản lượng của các ngành công nghiệp trong nền kinh tế Trung Quốc là tăng trưởng sản xuất công nghiệp, bao gồm sản xuất, khai thác và tiện ích, đạt 5% trong tháng 5 so với mức 5,4% vào tháng 4 và thấp hơn mức dự báo của các nhà kinh tế trước đó là 5,5%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 2/2002. Khi đó mức tăng chỉ đạt 2,7%.

Đây là giai đoạn Mỹ tăng hơn gấp đôi thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, từ 10% đến 25%. Điều này cũng cho thấy thiệt hại chiến tranh thương mại đang diễn ra với nền kinh tế Trung Quốc.

Tại họp báo ở Bắc Kinh ngày 14/6, Fu Linghui, phát ngôn viên của NBS, cho rằng, một tháng dữ liệu kinh tế không ổn định là bình thường, và kêu gọi mọi người quan sát tình hình kinh tế trong xu hướng dài hơn. Ông Fu tuyên bố nền kinh tế Trung Quốc đang ở một vị trí mạnh mẽ để tăng trưởng vào cuối năm 2019.

"Nhu cầu trong nước đóng góp 108% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2018, trong khi chi tiêu tiêu dùng đóng góp hơn 65% tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2019", ông Fu nói với các phóng viên. Cả hai điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có không gian thị trường rộng lớn và khả năng phục hồi.

Đầu tư tài sản cố định, chi tiêu cho các tài sản vật chất như bất động sản, cơ sở hạ tầng hoặc máy móc, tăng 5,6% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5/2019, tuy nhiên, tính từ tháng 1 đến tháng 4 giảm 6,1%.

Doanh số bán lẻ, một chỉ số chính về nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc, tăng 8,6%, sau khi đạt mức 7,2% vào tháng 4 - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 5/2003, nhưng vẫn thấp hơn mức 8,7% trong tháng 3.

Ông Fu nói, kỳ nghỉ Ngày Lao động 1/5 đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng doanh số bán lẻ. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Nomura đã chỉ ra thực tế rằng, tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh số bán lẻ trong tháng 4 và tháng 5 của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với tốc độ 8,3% trong Q1/2019.

Các dữ liệu này giúp xây dựng một bức tranh đầy đủ hơn về thực trạng nền kinh tế Trung Quốc và không mấy khả quan cho các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.

Một số nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. SCMP dẫn lời một nhà phân tích của Ngân hàng ANZ viết: "Các dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc trong hai tháng qua đã không đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi. Do đó, chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 xuống 6,2% (giảm 0,2 điểm phần trăm) và 6,0% cho năm 2020 (giảm 0,1 điểm phần trăm)”.

Trước đó, dữ liệu hải quan cho thấy, xuất khẩu Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại trong tháng 5 sau khi giảm vào tháng 4 - nhưng chỉ ở mức 1,1%, do các đơn đặt hàng trước để tránh việc Mỹ tăng thuế. Nhập khẩu, trong khi đó, giảm mạnh 8,5%, một dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu nội địa ở Trung Quốc vẫn ở mức chậm chạp.

Bắc Kinh có thể phải chuẩn bị cho tình hình tăng trưởng ảm đạm hơn nữa tiếp tục kéo dài khi căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc và các nhà phân tích không mấy hy vọng Mỹ - Trung có thể đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng này.

Sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc trong quý đầu tiên được cho là đã thúc đẩy chính phủ nỗ lực một cuộc đàm phán với Washington để chấm dứt chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, sự sụp đổ đột ngột các cuộc đàm phán vào tháng 5, sự leo thang mạnh mẽ các biện pháp đáp trả lẫn nhau, khiến một thỏa thuận càng trở nên xa vời trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc vẫn rất tự tin trước cuộc thương chiến này.

Tạp chí Qiushi viết trong một bài bình luận đăng ngày 16/6 đã cho rằng, Mỹ đã sai lầm khi đánh giá thấp ý chí của người dân Trung Quốc trong chiến đấu một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Trong bài viết, Qiushi khẳng định Trung Quốc sẵn sàng đối mặt với một cuộc chiến tranh kinh tế lâu dài với Mỹ và “Trung Quốc sẽ không sợ hãi bất kỳ đe dọa hay áp lực nào Mỹ đang thực hiện vốn có thể làm leo thang các bất đồng kinh tế và thương mại”; “Không ai, không thế lực nào nên đánh giá thấp và coi nhẹ ý chí sắt thép, sức mạnh và sự ngoan cường của người dân Trung Quốc trong chiến đấu với cuộc chiến thương mại”.

Tạp chí Qiushi cáo buộc Nhà Trắng đang cố gắng cản trở quá trình đổi mới công nghệ, kỹ thuật của Trung Quốc.

Qiushi là tạp chí học thuyết chính trị của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc và Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản hai lần mỗi tháng, có trụ sở ở Bắc Kinh. Giọng điệu kiên quyết này càng ít cho thấy những tiến bộ có phần thay đổi chiến lược sẽ diễn ra ở Nhật Bản vào những ngày cuối tháng 6 này.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tang-truong-kinh-te-thap-bao-chi-trung-quoc-quyet-dau-my-3382082/