Tăng trưởng kinh tế tạo đòn bẩy ngoại giao cho Ấn Độ
Trong bối cảnh địa chính trị Nam Á có nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách 'láng giềng trước tiên', Ấn Độ đã sử dụng nguồn lực tài chính có được từ nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng để khôi phục ảnh hưởng.
Đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ
Ngân hàng Thế giới (World Bank) cuối tuần trước đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ từ 6,6% lên 7% cho năm tài chính 2024-2025 nhờ sự phục hồi của sản lượng nông nghiệp và tăng tiêu dùng tư nhân. Tương tự, nhiều cơ quan xếp hạng toàn cầu và các tổ chức đa phương thời gian qua cũng đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng của Ấn Độ.
Vào tháng 7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2024 từ 6,8% lên 7%, củng cố vị thế của nước này là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ là 7% cho năm tài chính 2024 và 7,2% cho năm tài chính 2025. Báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ sẽ đạt mức 4,33 nghìn tỷ USD vào năm 2025, đưa đất nước Nam Á này vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) khi công bố chính sách tiền tệ của mình vào ngày 9/10 đã dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của nước này trong năm tài chính 2025 là 7,2%. Những nhận định lạc quan liên tiếp cho thấy Ấn Độ sẽ tiếp tục trở thành một trong những động lực kinh tế quan trọng của kinh tế toàn cầu và xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế của Nam Á.
Đà tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức cao kể từ sau đại dịch không chỉ giúp Ấn Độ tiếp tục hướng đến những mục tiêu phát triển quan trọng trong nước, mà còn đang tạo ra một nguồn lực tài chính cần thiết để New Delhi bôi trơn các bánh xe ngoại giao vào thời điểm rất nhạy cảm với đất nước này.
Trong năm qua, các nhà lãnh đạo thân Ấn Độ ở ít nhất 3 quốc gia lân cận đã bị bãi nhiệm hoặc bị lật đổ, làm suy yếu ảnh hưởng của New Delhi cũng như suy yếu chính sách “láng giềng trước tiên” của nước này. Ấn Độ, vì thế, cần nhanh chóng khôi phục lại ảnh hưởng, nhất là khi khó khăn kinh tế khiến những cường quốc cạnh tranh phải giảm bớt sự hào phóng với các quốc gia Nam Á.
Tiếng nói của những đồng rupee
Nỗ lực tái khẳng định ảnh hưởng của Ấn Độ thực ra đã được tiến hành ngay khi nước này lấy lại đà tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Và, những quốc gia láng giềng của họ đều hưởng lợi.
Khi Sri Lanka phải chịu thảm họa kinh tế vào năm 2022, Ấn Độ đã vào cuộc với hơn 4 tỷ USD viện trợ cho quốc đảo này. Tại Bhutan, năm nay Thủ tướng Narendra Modi đã tăng gấp đôi mức viện trợ của Ấn Độ, lên 1 tỷ USD trong vòng 5 năm. Trong khi đó, New Delhi cũng cung cấp hàng tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng dưới thời cựu Thủ tướng Sheikh Hasina, qua đó thúc đẩy nhiều lợi ích của Ấn Độ tại Bangladesh.
Quốc gia hưởng lợi mới nhất là Maldives. Tổng thống mới của Maldives Mohamed Muizzu đã vận động tranh cử vào năm ngoái trên cương lĩnh “India Out”, yêu cầu Ấn Độ rút một lực lượng quân sự nhỏ khỏi quốc gia quần đảo này. Nhưng, điều đó dường như đã bị lãng quên vào đầu tuần trước, khi ông Muizzu đến New Delhi để dự tiệc tối cấp nhà nước, chụp ảnh cùng Thủ tướng Modi và đón nhận hơn 750 triệu USD viện trợ của Ấn Độ, dưới hình thức hoán đổi tiền tệ, để cứu chính phủ của ông thoát khỏi tình trạng căng thẳng tài chính cực độ. Phát biểu khi đứng cạnh Thủ tướng Modi hôm 7/10, ông Muizzu nhấn mạnh: “Ấn Độ là đối tác quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng của Maldives và đã sát cánh cùng Maldives trong thời điểm chúng tôi cần”.
Theo bà Nirupama Menon Rao, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ, các nhà lãnh đạo khu vực đang thể hiện “sự nghiêm túc cao độ trong việc hiểu được sức mạnh kinh tế ngày càng tăng và vị thế mà Ấn Độ đang nắm giữ trên trường quốc tế”. Bà nhấn mạnh: “Ấn Độ hiện có thể triển khai nhiều sức mạnh hơn ở khu vực lân cận và sức mạnh kinh tế mạnh hơn nhiều so với trước đây - không còn nghi ngờ gì nữa”, đồng thời nhận định ngay cả những nhà lãnh đạo trong khu vực “theo truyền thống bị gắn mác hoặc bị coi là chống Ấn Độ” cũng không có nhiều lựa chọn ngoài việc hợp tác với New Delhi. Đó không chỉ bởi sự hỗ trợ tài chính ngay lập tức, mà còn là sự liên kết với Ấn Độ trong dài hạn, với hy vọng rằng tiềm năng kinh tế Ấn Độ có thể mang lại cho đất nước họ những khoản lợi nhuận bất ngờ trong tương lai.
Một ví dụ là Sri Lanka. Bất chấp tâm lý bài Ấn Độ xuất phát từ những vấn đề gây tranh cãi trong quá khứ như sự ủng hộ của chính phủ cựu Thủ tướng Indira Gandhi với các nhóm ly khai Tamil hay việc triển khai Lực lượng gìn giữ hòa bình Ấn Độ (IPKF) tại Sri Lanka năm 1987, quốc đảo này cũng không thể phủ nhận giá trị của những hỗ trợ từ New Delhi.
Phát biểu tại cuộc họp đối tác toàn Ấn Độ ở thủ đô Colombo vào tháng 6 năm nay, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe thẳng thắn nói: “Sau khi đã sống sót qua 2 năm khó khăn, tôi phải thừa nhận rằng điều này có thể vì Ấn Độ đã cho chúng tôi khoản vay đúng lúc”.
Điều tương tự có thể thấy tại Bangladesh, đất nước 170 triệu dân có đường biên giới chung với Ấn Độ dài gần 4.000 km. Ấn Độ được coi là người bảo vệ kiên định về mặt tài chính và ngoại giao của bà Sheikh Hasina, cựu Thủ tướng Bangladesh nên sau khi nhà lãnh đạo này bị lật đổ và trốn sang Ấn Độ, tâm lý chống lại ảnh hưởng của New Delhi càng trở nên sôi sục ở Bangladesh.
Nhưng rồi, những phản ứng của chính phủ lâm thời tại Bangladesh cho thấy, các thế lực chính trị thay thế chính phủ của bà Hasina hiểu rằng họ không được làm hỏng quan hệ với Ấn Độ. Chỉ một tuần sau khi nhậm chức, Muhammad Yunus - người đứng đầu chính phủ lâm thời Bangladesh đã chủ động điện đàm với Thủ tướng Modi để đảm bảo rằng người Hindu sẽ được bảo vệ và cho biết các báo cáo về bạo lực chống lại người Hindu đã bị phóng đại quá mức.
Thủ tướng Yunus cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba của diễn đàn “Voice of the Global South” do Ấn Độ tổ chức. Điều này cho thấy mức độ ưu tiên của ông trong việc xây dựng mối quan hệ tích cực với New Delhi. Điều đó, theo Tiến sĩ Paul Staniland - nhà khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về Nam Á tại Đại học Chicago - được thúc đẩy bởi thực tế rằng, sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Ấn Độ khiến nước này trở thành “một sự hiện diện kinh tế và chính trị mà tất cả các chính phủ láng giềng buộc phải hợp tác một cách tích cực”.
Cách tiếp cận thực tế hơn
Tất nhiên, bên cạnh việc sử dụng đòn bẩy “kim tiền”, Ấn Độ cũng đang điều chỉnh cách tiếp cận thực tế hơn đối với một số nước láng giềng, nhằm xóa đi cảm giác rằng vị thế của Ấn Độ được coi là một phương tiện khẳng định quyền kiểm soát đối với các quốc gia nhỏ hơn. “Ấn Độ hiểu rằng cần phải từ bỏ hình ảnh “anh cả” và định vị lại bản thân nhiều hơn như một Vishwamitra, một hiền triết được tôn trọng không phải vì sợ hãi mà vì sự hợp tác và thịnh vượng chung”, cây bút Kshitij Singh của Tạp chí International Politics and Society cho biết.
Những điều chỉnh này có thể thấy rõ qua việc Ấn Độ đầu tư vào các yêu cầu cơ sở hạ tầng quan trọng ở các nước láng giềng. Thay vì chỉ định các dự án mà New Delhi muốn đầu tư, Chính phủ Thủ tướng Modi giờ đây triển khai các dự án đường bộ, đường sắt, điện, nước sạch, nhiên liệu, cầu phà, bến cảng mới trên cơ sở các yêu cầu của đối tác song phương. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh cung cấp hỗ trợ ứng phó thảm họa, quản lý tài nguyên và truyền thông. Cách tiếp cận này tăng cường khả năng phục hồi của khu vực và dễ được đón nhận. Minh chứng mới nhất là việc Trung tâm Điều phối cứu hộ hàng hải, được xây dựng nhờ khoản tài trợ 6 triệu USD từ Ấn Độ, khai trương hồi tháng 6 tại trụ sở Bộ Chỉ huy Hải quân Sri Lanka ở Colombo. Đây có thể xem như một bước tiến quan trọng trong quan hệ với Sri Lanka cũng như trong chính sách an ninh hàng hải của Ấn Độ.
Văn hóa và công nghệ là những phương tiện khác để gia tăng ảnh hưởng. Phim Bollywood, với sự sống động và cốt truyện kịch tính, vượt qua rào cản ngôn ngữ, thu hút khán giả trên khắp khu vực. Trải nghiệm chung này nuôi dưỡng cảm giác gần gũi về văn hóa và bản sắc giữa Ấn Độ với các nước Nam Á. Trong khi đó, những hỗ trợ về công nghệ thông tin, nông nghiệp và y tế - chẳng hạn như việc cung cấp cho người dân các nước láng giềng nhiều thị thực y tế hơn để điều trị tại Ấn Độ - cũng giúp New Delhi củng cố mối quan hệ thân thiện trong khu vực.
Dĩ nhiên, trên bức tranh tổng thể, hợp tác kinh tế vẫn là khía cạnh then chốt trong chiến lược khu vực của Ấn Độ. New Delhi đang đóng vai trò là nhà cung cấp, người tiêu dùng, nhà phát triển, nhà xây dựng và thúc đẩy kinh tế trong khu vực. Họ mua điện từ Nepal và Bhutan, cung cấp điện và nhiên liệu cho Bangladesh, xây dựng cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka và Maldives... Tất cả những hoạt động này sẽ không thể thực hiện nếu thiếu nguồn tài chính dồi dào, điều mà Ấn Độ đang có được sau quá trình tăng trưởng kinh tế liên tục, mạnh mẽ những năm gần đây.