Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhưng thiếu chắc chắn

Cú sốc do đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Tại nhiều khu vực, dù tình hình thực tế không như cảnh báo ban đầu, nhưng đà phục hồi còn chậm.

Triển vọng tăng trưởng sẽ còn phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch mới, các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng, tác động của các chính sách tài khóa và tiền tệ, rủi ro nợ toàn cầu... Đồng thời, các quốc gia có độ lệch đáng kể về thời điểm kiểm soát dịch, qua đó ảnh hưởng đến thời điểm và tốc độ phục hồi kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế thế giới tháng 10/2020 tiếp tục phục hồi so với tháng trước, nhưng vẫn thiếu chắc chắn. Chỉ số PMI sản xuất đã tăng lên mức cao nhất trong 25 tháng là 52,3 điểm vào tháng 9/2020, từ mức 51,8 vào tháng 8/2020. Tốc độ tăng sản lượng chế tạo gần đạt mức cao kỷ lục 28 tháng vào tháng 8/2020.

Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 4,4% trong năm nay và tăng trưởng trở lại ở mức 5,2% vào năm 2021. Dự báo này khả quan hơn so với dự báo tại thời điểm tháng 6/2020.

Diễn biến một số nền kinh tế chủ yếu

Kinh tế Mỹ hồi phục nhưng thiếu ổn định. Chỉ số PMI ngành chế biến chế tạo của Mỹ đạt 53,2 điểm vào tháng 9/2020, tương đương với mức 53,1 trong tháng 8/2020, cho thấy sự cải thiện vững chắc của lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Hoạt động kinh doanh lĩnh vực dịch vụ cũng tiếp tục khởi sắc. PMI ngành dịch vụ của Mỹ đạt 54,6 vào tháng 9/2020, giảm nhẹ so với 55,0 trong tháng 8/2020 do cầu tăng mạnh. Tuy nhiên, niềm tin kinh doanh trong ngành đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng do lo ngại về đại dịch COVID-19. Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm từ 8,4% vào tháng 8/2020 xuống còn 7,9% vào tháng 9/2020, nhưng số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong tuần qua đã tăng đột biến lên 898.000 người, tăng 53.000 người so với tuần trước đó và là mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 15/8 .

Khu vực châu Âu cho thấy những dấu hiệu kinh tế ảm đạm. Sau khoảng thời gian phục hồi mạnh mẽ trong 2 tháng trước đó (tháng 7, 8/2020 lần lượt đạt 54,9; 51,9 điểm), chỉ số PMI tổng hợp của khu vực Eurozone trong tháng 9/2020 bất ngờ giảm xuống chỉ còn 50,4 điểm; chỉ số PMI khu vực dịch vụ thậm chí giảm xuống dưới mức 50 điểm trong tháng 9/2020 (48 điểm). Tỉ lệ lạm phát hàng năm trong tháng 9/2020 của khu vực Eurozone tiếp tục ở mức -0,3%, thể hiện sự giảm phát. Thống kê mới nhất (ngày 1/10/2020) cho thấy tỉ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng cao nhất trong vòng 5 tháng qua, ở mức 8,1% đối với khu vực Eurozone và 7,4% đối với khu vực EU28 trong tháng 8/2020.

Kinh tế Nhật Bản đang phục hồi nhẹ. Chỉ số PMI ngành chế biến chế tạo của Nhật Bản tăng lên mức 47,7 điểm vào tháng 9/2020 từ mức 47,2 trong tháng 8/2020. Thặng dư thương mại tăng lên mức 674,98 tỷ yen vào tháng 9/2020, so với mức thâm hụt 129,07 tỷ yen cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 6,06 nghìn tỷ yen trong tháng 9/2020, khả quan hơn so với mức giảm 14,8% trong tháng 8/2020. Nhập khẩu giảm 17,2% xuống còn 5,38 nghìn tỷ yen vào tháng 9/2020.

Kinh tế Hàn Quốc có dấu hiệu phục hồi trở lại. Xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng 7,7% trong tháng 9/2020 so với cùng kỳ năm trước lên mức 48,05 tỷ USD. Thặng dư thương mại đã tăng lên 8,88 tỷ USD vào tháng 9/2020, so với 5,89 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Chỉ số PMI sản xuất cũng tăng từ 48,5 trong tháng 8/2020 lên mức 49,8 vào tháng 9/2020. Trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày 10/9/2020, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra gói ngân sách bổ sung thứ tư trị giá 7.800 tỷ won (6,6 tỷ USD), nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và những lao động tự do tránh khỏi tác động kinh tế của đợt bùng phát COVID-19 gần đây. Đây là lần đầu tiên trong vòng 59 năm qua Chính phủ Hàn Quốc phải phân bổ thêm 4 khoản ngân sách trong một năm tài khóa.

Kinh tế Trung Quốc cho thấy dấu hiệu phục hồi sau đại dịch trong bối cảnh một số đối tác thương mại đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa 3 quý đầu năm 2020 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng xuất khẩu của Trung Quốc tháng 9/2020 tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu tăng 13,2% (sau khi giảm 2,1% trong tháng 8). Thặng dư thương mại đạt 37 tỷ USD, thấp hơn so với 58,93 tỷ USD trong tháng 8/2020. Chỉ số CPI tháng 9 tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, và giảm 0,7 điểm % so với tháng 8/2020. Doanh số bán lẻ tháng 9/2020 tăng 3,3% và 9 tháng năm 2020 giảm 7,2%. Kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 4,9% trong quý III/2020, theo công bố mới nhất của Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc.

Dòng vốn đầu tư toàn cầu giảm

Báo cáo triển vọng 2021 của Viện Kinh tế năng lượng Nhật Bản (IEEJ) vừa công bố đưa ra dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2040 vì nhu cầu nhiên liệu vận tải sẽ giảm mạnh và tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong thế giới hậu COVID-19.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng giảm trở lại. Đầu tư toàn cầu có xu hướng giảm trở lại vào tháng 8/2020, khi Mỹ và châu Âu (các nước cung cấp vốn FDI lớn) giảm đầu tư ở nước ngoài và tăng đầu tư trong nước khi đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị đè nặng lên triển vọng của nền kinh tế thế giới. Chỉ số FDi - theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài - chỉ đạt mức 597 điểm trong tháng 8/2020. Đầu tư trong nước của Mỹ tăng cao một cách bất thường trong tháng 8/2020, củng cố xu hướng đã bắt đầu có động lực kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ngoài động cơ tìm kiếm an toàn do môi trường toàn cầu nhiều rủi ro, mức lãi suất thấp kỷ lục cũng là động lực thúc đẩy các nhà đầu tư Mỹ đầu tư về nước. Các nước trong khối OECD nói chung là điếm đến được lựa chọn nhiều hơn nhờ môi trường đầu tư ổn định hơn và thể chế thị trường tốt, chiếm tới 73,01% tổng vốn FDI toàn cầu trong 8 tháng năm 2020, trong khi tỉ trọng của các nước BRICs (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) giảm xuống mức thấp kỷ lục 8,84% (theo số liệu của fDi Markets). Nhiều bằng chứng ban đầu cho thấy xu hướng tìm đến đầu tư an toàn trên toàn cầu đang dẫn tới gia tăng đầu tư trong khu vực, đặc biệt là các nhà đầu tư ở các nước phương Tây.

Thị trường tài chính tiền tệ thế giới tương đối ổn định. Trong năm 2020, ngân sách của các chính phủ đã ghi nhận mức thâm hụt lên tới hơn 3.000 tỷ USD, trong đó, phần lớn của sự thâm hụt tới từ việc chi hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch COVID-19. Ở châu Âu, Anh và EU nhiều khả năng không thể đạt được một thỏa thuận thương mại trước hạn chót 31/12/2020.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/tang-truong-kinh-te-phuc-hoi-nhung-thieu-chac-chan/412520.vgp