Tăng trưởng kinh tế năm 2019 đối mặt nhiều thách thức

Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn đa quốc gia, trong khi các doanh nghiệp đã phát triển cực đỉnh, khiến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội quan ngại về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019.

Phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội - Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

Trong các ngày 9 - 10.10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp phiên họp toàn thể lần thứ 8 tại Quảng Ninh, nhằm thẩm tra báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016 - 2018; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2019; thẩm tra báo cáo giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%

Tại phiên họp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã báo cáo tình hình nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2018 và 3 năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016 - 2020, cho biết đã từng bước vượt qua khó khăn, duy trì đà chuyển biến tích cực.

Theo đó, riêng năm 2018, Chính phủ hoàn thành 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội 5 năm. Đáng chú ý là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, liên tiếp 3 năm CPI đạt dưới 4%. Tỷ giá, lãi suất ổn định, đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng 17%), nợ công giảm còn khoảng 61,4%; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với dự toán, bội chi ngân sách 3,67%, dưới ngưỡng cho phép của Quốc hội (3,7%).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%. Nếu đạt mức này thì quy mô theo giá hiện hành ước đạt 5.555 ngàn tỉ đồng, tương đương 240,5 tỉ USD. GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.540 USD/người, tăng 155 USD so với năm 2017.

Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%; xuất nhập khẩu có thể vượt kỷ lục năm 2017, tăng 11,7% và sẽ đạt khoảng 475 tỉ USD, trong đó xuất siêu 1 tỉ USD.

Tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào tập đoàn nước ngoài

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế những năm qua chưa được xử lý triệt để. Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn nước ngoài. Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều về vốn thay vì đổi mới công nghệ. Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao (trên 70%).

Ông Đặng Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, thì cho biết, tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước là 1,3 triệu tỉ đồng, nhưng chỉ đóng góp 11,8% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, khu vực ngoài quốc doanh đóng góp cho ngân sách tới 15,6%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chiếm 13,9%.

Ông Trần Văn Tiến, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng những "con số đẹp" mà Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra về tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn chung chung. Cũng theo ông Tiến, trình độ thay đổi công nghệ của các doanh nghiệp nội còn yếu mà phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đang yếu dần.

Phát biểu tại phiên họp, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lo ngại về tình hình phát triển kinh tế của năm 2019 tới đây khi có nhiều thách thức đang phải đối mặt, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, nếu các tập đoàn này không phát triển hoặc gặp khó thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

“Vừa rồi chúng tôi làm việc với Samsung Việt Nam và ngành thép, đây là các doanh nghiệp có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhưng năm 2019 tới đây thì họ cho biết sẽ không có nhiều thay đổi hơn so với năm 2018", ông Thanh nói.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được cơ quan này tổng hợp hoàn thiện vào các báo cáo, kế hoạch nêu trên để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến khai mạc ngày 22.10.

Lã Nghĩa Hiếu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tang-truong-kinh-te-nam-2019-doi-mat-nhieu-thach-thuc-1011991.html