Tăng trưởng hàng không gấp đôi tăng trưởng GDP

Sự tác động qua lại chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng hàng không cho thấy trung bình cứ 1% tăng trưởng GDP sẽ ứng với khoảng 2% tăng trưởng hàng không.

Ảnh minh họa.

GDP tăng trưởng 1%, hàng không tăng trưởng 2%

Trong bài tham luận tại hội thảo “Phát triển hàng không – Chắp cánh du lịch Việt”, ông Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM, cho rằng có sự tác động qua lại chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng hàng không. Khi nền kinh tế phát triển sẽ khiến ngành hàng không phát triển và ngược lại. Trong các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng trong giai đoạn 1971-2016, trung bình cứ 1% tăng trưởng GDP sẽ ứng với khoảng 2% tăng trưởng hàng không.

Mặc dù, trong quá khứ có hai giai đoạn tăng trưởng hàng không thế giới bị sụt giảm mạnh hơn nhiều so với tăng trưởng GDP nhưng chỉ là tạm thời. Lần thứ nhất là hậu chiến tranh vùng Vịnh (1990-1993), và lần thứ hai là hậu sự kiện khủng bố tháp đôi ở Mỹ (2001-2004).

Tuy nhiên, cả hai lần sụt giảm này cũng chỉ kéo dài khoảng 3 năm. Như vậy, trong ngắn hạn một số sự kiện hiếm hoi như khủng hoảng dầu hỏa, chiến tranh, khủng bố... có thể làm thay đổi mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng hàng không, nhưng trong dài hạn, tăng trưởng hàng không luôn có quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế.

Đối với Việt Nam, hiện đang có khoảng 60% tổng số hành khách vận chuyển qua sân bay Tân Sơn Nhất nên tốc độ tăng trưởng Tân Sơn Nhất có quan hệ mật thiết với tốc độ tăng trưởng hàng không Việt Nam cũng như tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, trong giai đoạn 1996-2017, GDP Việt Nam tăng 3,43 lần trong khi vận chuyển hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất tăng 6,92 lần, quốc nội Tân Sơn Nhất tăng 17,65 lần, và tổng hành khách quốc tế và quốc nội Tân Sơn Nhất tăng 11,33 lần.

Như vậy, tăng trưởng quốc tế Tân Sơn Nhất gấp đôi, và tăng trưởng quốc nội Tân Sơn Nhất gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam. Các mức độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với mức trung bình 1,8 lần trên thế giới.

Việc thúc đẩy phát triển ngành hàng không là một chiến lược hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì tăng trưởng hàng không luôn lớn hơn nhiều lần tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tăng trưởng hàng không sẽ không chỉ trực tiếp đóng góp giá trị gia tăng cho nền kinh tế mà còn hỗ trợ nhiều ngành kinh tế khác như du lịch, khách sạn, bất động sản... phát triển.

Sân bay hợp tác công – tư có lưu lượng hành khách lớn

Cũng trong tham luận này chỉ ra những sân bay có sự hợp tác công – tư (PPP) thường có lượng hàng khách luân chuyển rất cao.

Theo nghiên cứu, mặc dầu chỉ 14% sân bay trên thế giới thuộc loại hợp tác công - tư, nhưng những sân bay này phục vụ 41% lưu lượng hành khách vận chuyển toàn cầu. Đầu tư tư nhân chủ yếu nhằm vào lợi nhuận và chú trọng về chất lượng phục vụ hành khách nên thị trường thúc đẩy đầu tư tư nhân vào các sân bay có lưu lượng hành khách lớn.

Trong tổng số 614 sân bay hợp tác công – tư trên thế giới, ở Châu Âu có nhiều nhất (266 sân bay, phục vụ 1.441 triêu hành khách), kế đến là Châu Á Thái Bình Dương (162 sân bay, phục vụ 1.106 triệu hành khách), Mỹ La Tinh – Caribbean (153 sân bay, phục vụ 344 triêu hành khách), Châu Phi (19 sân bay, phục vụ 27 triêu hành khách), Bắc Mỹ (9 sân bay, phục vụ 40 triêu hành khách) và Trung Đông (5 sân bay, phục vụ 74 triêu hành khách).

Tỷ lệ hành khách qua các sân bay hợp tác công – tư so với tổng lưu lượng hành khách toàn quốc cũng rất lớn. Tại Trung Quốc, Nhật Bản, Brazil khoảng trên 40%, Ấn Độ, Mexico khoảng 60%, hầu hết các nước khác trên 80%.

Cần chính sách lôi kéo đầu tư tư nhân phát triển hàng không

Trước vấn đề được đặt ra là hạ tầng chưa đáp ứng, ông Nguyễn Thiện Tống cho rằng cần có chính sách quốc gia về hàng không dân dụng, vì Việt Nam đang thiếu và phải giải quyết từng vấn đề riêng lẻ. Chính phủ, Quốc hội phải có hội thảo để đóng góp ý kiến quốc gia về hàng không dân dụng.

“Hàng không tác động lớn đến nền kinh tế. Tôi đã từng là trưởng nhóm nghiên cứu về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi thấy rằng bình quân khách hàng không nội địa đóng góp cho phát triển kinh tế là 100 USD, 10 triệu khách nội địa đóng góp 1 tỷ USD cho nền kinh tế còn khách quốc tế là 500 USD, 20 triệu khách quốc tế đóng góp 10 tỷ USD cho kinh tế”, ông Tống chia sẻ.

Bên cạnh đó, phải có chính sách mạnh, rõ ràng để lôi kéo đầu tư tư nhân phát triển hàng không. Trước đây, không có hàng không tư nhân, nhưng bây giờ tư nhân tham gia rất nhiều.

"Tôi cho rằng cần tham khảo chính sách như ở Ấn Độ về 3 sân bay nội địa Shimoga, Bijapur và Gulbarga, họ có chủ trương có những sân bay 100% tư nhân đầu tư. Để khai thác tiềm năng, có nhu cầu đến thì hạ tầng cơ sở là điểm nghẽn lớn nhất nên làm sao gắn sự khai thác sân bay và máy bay", ông Tống nói.

HOÀNG ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/tang-truong-hang-khong-gap-doi-tang-truong-gdp-3462135.html