Tăng trưởng GDP không thực sự vượt bậc như thực tế?

Tại buổi Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4/2017 và cả năm 2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 16/1, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, việc duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn cũng đặt ra nhiều thách thức hơn cho nền kinh tế, khi các chỉ tiêu khác trong thành phần của VEPI vẫn tăng trưởng ở mức trung bình, chưa cho thấy sự đột biến đáng kể trong một thời gian dài.

Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4/2017 và cả năm 2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). ẢNh: H.A.

Báo cáo của VEPR nhấn mạnh, số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao trong quý 4. Mức tăng trưởng 7,65% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tăng trưởng rất cao trong hai quý nửa sau của năm góp phần đưa GDP cả năm tăng 6,81%, vượt chỉ tiêu 6,7% mà Quốc hội đề ra.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 7,44% trong năm 2017, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Ngành có đóng góp cao nhất cho mức tăng trưởng chung là bán buôn và bán lẻ với mức tăng 8,36%. Trong khi đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và lĩnh vực kinh doanh BĐS ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 6-7 năm trở lại đây, lần lượt đạt 8,14% và 4,07%. Đáng chú ý, lượng du khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2017 đạt con số kỷ lục là 12,9 triệu người, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng nhờ hai quý kinh tế tăng tốc cuối năm đã đạt mức tăng 8,00%, vượt qua mức tăng trưởng năm 2016 là 7,57%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng rất cao 14,40%. Ngành khai khoáng tiếp tục suy giảm thêm 7,10%, mức giảm cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, thể hiện rõ những chính sách định hướng lại nền kinh tế của Chính phủ, tăng tỷ trọng các ngành có hàm lượng công nghệ và nhiều giá trị gia tăng hơn.

TS. Nguyễn Đức Thành cũng cho biết, chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Index) do VEPR xây dựng dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng và chỉ số IPI cũng thể hiện mức tăng trưởng cao của nền kinh tế trong quý 4.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này hơi thấp hơn so với công bố của Tổng cục Thống kê về tăng trưởng GDP, do chỉ số VEPI luôn có xu hướng biến động ổn định hơn. Cụ thể, VEPI quý 4 đạt 7,28%, cao hơn nhiều so với các quý trước và cùng kỳ năm 2016, trong mức tăng trưởng GDP do Tổng cục Thống kê công bố là 7,65%. Điều này nhờ vào tăng trưởng nhập khẩu cao của Việt Nam trong cả năm 2017, cũng như chỉ số sản xuất IPI ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

“Việc chỉ số VEPI vẫn thấp hơn có thể phản ánh rằng tăng trưởng GDP không thực sự vượt bậc như thực tế, tiếp tục cho thấy cần phải lưu ý đến sự thống nhất giữa các nguồn số liệu. Bên cạnh đó, việc duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn cũng đặt ra nhiều thách thức hơn cho nền kinh tế, khi các chỉ tiêu khác trong thành phần của VEPI vẫn tăng trưởng ở mức trung bình, chưa cho thấy sự đột biến đáng kể trong một thời gian dài”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.

Tại buổi tọa đàm, dự báo năm 2018, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, theo dự báo của ông, tăng trưởng GDP sẽ tăng khoảng 6,65%. Đây là dự báo tương đối thận trọng, cho thấy tăng trưởng kinh tế không phải lúc nào cũng năm sau cao hơn năm truớc, cơ hội tăng trưởng không thiếu nhưng cơ hội có thể đến và đi rất nhanh.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tang-truong-gdp-khong-thuc-su-vuot-bac-nhu-thuc-te.aspx