Tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ khả quan hơn nửa đầu năm

Tuy tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 thấp nhất lịch sử thống kê nhưng dự đoán 6 tháng cuối năm, kinh tế sẽ khả quan hơn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Số liệu mới nhất Tổng cục Thống kê công bố sáng nay (29/6), tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế quý 2 chỉ đạt 0,36%, và nửa đầu năm chỉ đạt 1,81%. Đây là các mức trưởng thấp nhất trong lịch sử ngành thống kê.

Tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế quý 2 chỉ đạt 0,36%, và nửa đầu năm chỉ đạt 1,81%

Tại buổi họp báo, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ thống kê Hệ thống Tài khoản quốc gia cho hay mức tăng trưởng này thấp hơn dự báo thấp nhất của cơ quan này các tháng trước.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng khi giữ được mức tăng trưởng dương, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng âm 4,9 – 7,6%. Việc GDP tăng trưởng thấp nằm trong xu hướng chung nền kinh tế toàn cầu bị tác động mạnh nhất trong 80 năm qua do ảnh hưởng của COVID-19.

Theo Tổng cục Thống kê, triển vọng 6 tháng cuối năm vẫn được đánh giá khả quan hơn nửa đầu năm, thể hiện qua 3 góc độ.

Thứ nhất, dư địa giải ngân đầu tư công vẫn còn rất lớn. Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp cho biết, nếu hoàn thành việc giải ngân 100% vốn đầu tư công năm nay thì GDP sẽ tăng thêm 0,42 điểm phần trăm.

Cũng theo ông Thúy, nếu đầu tư công tăng 1% thì đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP và kéo theo ngành xây dựng tăng 1,34 điểm phần trăm. Vốn đầu tư công sẽ chủ yếu đi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tạo vốn mồi cho những dòng vốn và giá trị sản xuất khác.

Triển vọng 6 tháng cuối năm vẫn được đánh giá khả quan hơn nửa đầu năm,

Thứ hai, tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện mới chỉ đạt 2,45% so với mục tiêu cả năm 13-14%, cho thấy còn nhiều dư địa tăng trưởng từ nay tới cuối năm. Thứ ba, khảo sát cộng đồng doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê

Thứ ba, khảo sát xu hướng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy có tới hơn 80% doanh nghiệp được hỏi đánh giá tình hình kinh doanh trong quý 3 sẽ ổn định hoặc tốt hơn so với trước đó. Chỉ có 19,4% doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh sẽ khó khăn hơn.

Liên quan tới lạm phát, bình quân 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, trong đó, giá thịt lợn chiếm tới gần 2/3 yếu tố cấu thành mức tăng CPI. Tuy nhiên, theo đánh giá của tổng cục thống kê, lạm phát vẫn trên đà giảm từ đầu năm, và mục tiêu 4% cho cả năm là hoàn toàn khả thi.

Theo Tài Phan/VTV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tang-truong-gdp-6-thang-cuoi-nam-du-kien-se-kha-quan-hon-nua-dau-nam/20200629030247696