Tăng trưởng cho vay đang cao hơn huy động

Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ phải đẩy ra lượng tín dụng nhiều hơn nữa vào nền kinh tế. Điều này sẽ gây khó khăn cho một số ngân hàng trong việc huy động vốn.

Mất cân đối huy động - cho vay

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến hết tháng 10/2017, tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng 13,5% so với cuối năm 2016; huy động vốn tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%).

Ảnh minh họa

Tại các ngân hàng thương mại, số liệu báo cáo tài chính đưa ra cũng cho thấy, nguồn vốn huy động của hầu hết nhà băng đang thấp hơn dư nợ cho vay. Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2017, cho vay khách hàng của Ngân hàng Sacombank đạt 223.000 tỷ đồng, tăng 12,6%, trong khi đó, tiền gửi của khách hàng đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 7,2%.

Tương tự, tại Ngân hàng MBBank, cho vay khách hàng đạt 176.000 tỷ đồng, tăng 17%; tiền gửi của khách hàng đạt 211.000 tỷ đồng, tăng 8,7%. Còn tại Ngân hàng VietinBank, cho vay khách hàng đạt hơn 763.000 tỷ đồng, tăng 15,3%; tiền gửi khách hàng đạt hơn 725.000 tỷ đồng, tăng 10,7%. Tại Ngân hàng Techcombank, cho vay khách hàng giảm 3,5% so với đầu năm, xuống 137.000 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng giảm 4%, còn 166.000 tỷ đồng.

Trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM cho hay, tính đến cuối tháng 9/2017, huy động vốn trên địa bàn đạt 2 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm, trong khi tín dụng tăng 12,41%, đạt 1,658 triệu tỷ đồng.

Những con số trên cho thấy, tăng trưởng cho vay đang cao hơn huy động. Từ nay đến cuối năm, để phục vụ sản xuất - kinh doanh, các ngân hàng sẽ phải đẩy ra lượng tín dụng nhiều hơn nữa vào nền kinh tế. Điều này sẽ gây khó khăn cho một số ngân hàng trong việc huy động vốn. Mặt khác, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay chưa thể cải thiện nhanh, nên khó có thể tiêu thụ hết lượng vốn tín dụng lớn.

Thận trọng với lạm phát

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, dư địa tín dụng hiện nay còn lớn khi 10 tháng đầu năm, toàn ngành mới đạt mức tăng trưởng dư nợ hơn 13%. Nếu tín dụng đạt được mức tăng trưởng 18% như ngành ngân hàng đưa ra đầu năm nay thì lượng vốn đổ vào nền kinh tế trong 2 tháng cuối năm còn khá lớn. Đơn cử tại TP.HCM, nếu tín dụng đạt mức tăng trưởng 18% thì từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay. Vấn đề còn lại là nền kinh tế có hấp thu được vốn hay không. “Trên thực tế, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu, doanh nghiệp tốt chưa mấy mặn mà sử dụng vốn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh thị trường còn có những khó nhất định”, TS. Lịch phân tích.

Chia sẻ vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, việc đưa một lượng tiền lớn vào lưu thông từ nay đến cuối năm là không phải dễ dàng và có thể gây ra lạm phát trong tương lai.

Vì thế, các chuyên gia cảnh báo, mục tiêu tăng trưởng tín dụng tới 21% chỉ là một trong những giải pháp kích thích cho tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, nếu thúc ép tăng trưởng tín dụng phải đạt mục tiêu đề ra có thể sẽ khiến thị trường mất kiểm soát nguồn vốn.

Mặt khác, các chuyên gia cũng lo ngại tín dụng không đi đúng hướng, nhất là khi các thị trường chứng khoán và bất động sản đang có khả năng hấp thụ vốn rất lớn. Dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định đã kiểm soát tốt tín dụng bất động sản, nhưng thị trường này không phải đã hết rủi ro.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 10 tháng đầu năm, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm xuống còn 15,5% (năm 2016 là 17,1%). Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017, với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng 58,6% so với cuối năm 2016. Nhìn vào con số này, dư nợ bất động sản có dấu hiệu giảm nhẹ, song trên thực tế, rủi ro tín dụng bất động sản vẫn hiện hữu khi dư nợ tín dụng tiêu dùng chủ yếu vào nhà, đất.

Theo Báo Đầu tư

Nguồn ANTT: http://antt.vn/tang-truong-cho-vay-dang-cao-hon-huy-dong-217208.htm