Tăng trưởng cả năm dự báo đạt mức 7,05%

Đây là dự báo của nhóm chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra trong báo cáo tại buổi tọa đàm 'Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III-2019' diễn ra sáng 10/10 tại Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải nhìn câu chuyện tăng trưởng thận trọng hơn, mặc dù các chỉ số giống năm trước, nhưng nội dung đã có sự thay đổi.

Báo cáo của VEPR cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III-2019 đạt mức 7,31% và trong 9 tháng đạt 6,98%.

Trong đó, 9 tháng năm 2019, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,85%, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu 2,02%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 9,56%. Chỉ số sản xuất công nghiệp IPI tăng 9,6%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%.

VEPR dự báo, mức tăng trưởng kinh tế trong quý IV-2019 sẽ đạt 7,26% và tăng trưởng cả năm sẽ đạt mức 7,05%.

Ông Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV – cho rằng, 3 điểm tích cực của kinh tế vĩ mô trong 9 tháng đầu năm, đó chính là xuất khẩu, vốn đầu tư toàn xã hội và năng lực cạnh tranh.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý III đạt 71,76 tỷ USD, tăng 10,86%. Trong đó, xuất khẩu tới từ nhóm doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chủ yếu đạt 49,2 tỷ USD (chiếm 69,6% tổng kim ngạch). Xuất khẩu từ khu vực trong nước tăng 13,8%, đạt 22,54 tỷ USD.

Tính chung 9 tháng năm 2019, đã chứng kiến thặng dư thương mại là 5,88 tỷ USD, trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 194,30 tỷ USD, tăng 8,2%.

Đối với vốn đầu tư toàn xã hội, riêng trong quý 3, dòng vốn này đạt 55,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư đạt 265,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18%. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng trưởng thấp nhất, chỉ tăng 0,5% mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư.

Tính chung 9 tháng năm, so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 16,9%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8,4%.

Một điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế vĩ mô chính là vừa qua, World Economic Forum đã tăng chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2019 lên 10 bậc, xếp hạng 67 toàn thế giới.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam ở vị trí 67 chưa phải vị trí "ghê gớm", chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Myanmar, làm sao phải cạnh tranh với Philippines và vượt lên trên vị trí của Philippines và Thái Lan.

Ngoài 3 điểm sáng nổi bật trên, nền kinh tế Việt Nam 9 tháng 2019 cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực, như số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm, quy mô lao động tăng và tiếp tục chuyển dịch sang khu vực ngoài nhà nước và FDI. Về phía cầu, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, đạt 2,5%.

Với mức tăng trưởng đạt 7,31% của quý III, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6% - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. Tuy nhiên, trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Nhật Bản - Hàn Quốc ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá trị đồng tiền mạnh và tài sản.

Dự báo tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong cuối năm 2019 có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới. "Ngân hàng Nhà nước cần điều hành lãi suất và tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài", báo cáo từ VEPR khuyến nghị.

Tỷ lệ lạm phát bình quân quý III đang ở mức vừa phải, tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng gần đây. Ảnh hưởng từ dịch tả lợn và tăng giá xăng có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao.

Trong bối cảnh đó, VEPR dự báo tăng trưởng năm 2019 đạt 7,05%.

THANH NHUNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tang-truong-ca-nam-du-bao-dat-muc-705-2019101021550704.htm