Tăng trưởng bán lẻ là điểm sáng nền kinh tế khi Covid-19 bủa vây

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nửa đầu năm nay, trong nhiều chỉ số kinh tế, sự tăng trưởng bán lẻ hàng hóa là điểm sáng của nền kinh tế, được phát huy từ Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' .

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (đứng giữa) đi thăm các gian hàng tại Lễ khởi động Chương trình nhận diện hàng Việt Nam năm 2020.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (đứng giữa) đi thăm các gian hàng tại Lễ khởi động Chương trình nhận diện hàng Việt Nam năm 2020.

Tại Lễ khởi động Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020 vừa diễn ra, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.

Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm tuy giảm 1,78% so với cùng kỳ năm 2019 do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng về Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, chương trình có nhiều điểm mới với nhiều hoạt động trải nghiệm, tương tác trực tiếp giữa người tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ; tương tác giữa nhà sản xuất và nhà phân phối; giữa doanh nghiệp và nhà quản lý.

"Các điểm đổi mới như trên đã giúp hỗ trợ kết nối các nhóm nhu cầu giữa các doanh nghiệp góp phần nâng cao thị phần của hàng hóa dịch vụ Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài đánh giá cao sự đóng góp của Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2020, với sự chuyển hướng mạnh mẽ vào các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đơn vị trực tiếp sản xuất, cung ứng các sản phẩm dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng.

Để tiếp tục phát huy sức mạnh của hàng Việt trên thị trường nội địa, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu.

Đồng thời, theo sát dõi diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường…

Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên “Tự hào hàng Việt Nam” là một trong các dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020.

Trong năm nay, đây là một trong 4 hoạt động trọng tâm, trọng điểm thuộc các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh diễn ra từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2020 của ngành Công Thương.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tang-truong-ban-le-la-diem-sang-nen-kinh-te-khi-covid-19-bua-vay-130627.html