Tăng trong nghi ngờ, nghi ngờ tăng tiếp

TTCK tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần bất chấp sự nghi ngờ của giới đầu tư.

Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Dòng tiền lan tỏa rộng với việc sàn HOSE có 230 mã tăng, 41 mã tham chiếu và 119 mã giảm. Nhiều cổ phiếu từng giảm sâu như hàng không, dầu khí, bán lẻ tiếp tục phục hồi, nhiều mã lớn tăng gần hết biên độ như VRE (+6,93%), VJC (+6,03%), VIC (+1,05%), VPB (+6,97%), HVN (+6,80%)…

Nhiều nhà đầu tư có quan điểm thận trọng với thị trường đang phải đặt câu hỏi: “Phải chăng người mua mạnh đang biết những điều gì mà những người còn lại không biết?”.

Một câu hỏi thể hiện sự nghi ngờ và ngạc nhiên của các chủ thể đang đứng ngoài thị trường ngắm nhìn sự tăng điểm của VN-Index, khơi lại kỳ vọng tăng dài sau 7 phiên tăng liên tiếp và 1 phiên điều chỉnh giảm cuối tuần qua.

Trong khi đó, báo chí liên tục đưa tin nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra dự báo về tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam có thể âm.

Diễn biến dịch bệnh Covid-19 tiếp tục phức tạp và khó lường khi lan đến các khu công nghiệp, nhà máy nơi tập trung mật độ công nhân cao hơn trung bình ngoài xã hội.

Theo ghi nhận của SSI, áp lực chốt lời đã xuất hiện, thách thức sự ổn định của đà tăng chỉ số. Diễn biến này tương đối phù hợp khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã tạo ra mức sinh lời hấp dẫn sau nhịp hồi phục kéo dài 7 phiên vừa qua.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng kể cả quỹ đóng và quỹ mở trước áp lực rút vốn. Phiên đầu tuần, họ bán tiếp gần 250 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó bán nhiều mã VIC, BID và HDB.

Ðiểm sáng của thị trường đến từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Ðây là động lực nâng đỡ chỉ số tại các nhịp giảm sâu trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài và khối tự doanh các công ty chứng khoán tiếp tục trạng thái bán ròng.

Diễn biến này phù hợp với tình hình số tài khoản mở mới tăng mạnh trong tháng 3/2020. Theo VSD, có 31,8 nghìn tài khoản mở mới bởi nhà đầu tư cá nhân trong nước, cao nhất kể từ tháng 4/2018 đến nay.

Quan sát thị trường cho thấy, cả bên cung và bên cầu đang hồi hộp chờ đợi diễn biến ngày 15/4 - ngày mà lệnh giãn cách xã hội lần 1 hết hiệu lực.

Nếu việc giãn cách xã hội tiếp tục phải kéo dài sẽ rất dễ làm tâm lý nhà đầu tư bi quan trở lại từ tình trạng đang lạc quan hơn hoặc chí ít là yên tâm hơn khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt.

Nếu giãn cách xã hội kéo dài có nghĩa là hầu hết các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tình trạng “nằm gai nếm mật” để chờ đợi thời điểm có thể phục hồi sản xuất.

Nhiều công ty đã công bố báo cáo thường niên năm 2019, nhưng không kịp quyết kế hoạch 2020 để đưa vào.

Hội đồng quản trị tại không ít công ty thực sự lúng túng không biết đưa kế hoạch kinh doanh năm 2020 như thế nào trong điều kiện hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đóng băng phần lớn. Một số công ty đã đưa ra kế hoạch kinh doanh từ trước thì có khả năng phải điều chỉnh do ảnh hưởng của Covid-19 lớn hơn dự tính.

Nhưng trong bức tranh chưa rõ màu sắc chủ đạo của cả nền kinh tế, vẫn có những điểm sáng, đó là các lĩnh vực tiềm năng như điện mặt trời hay tín dụng tiêu dùng cá nhân tiếp tục thu hút được nguồn vốn của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Sẽ có các thương vụ đầu tư mới vào lĩnh vực này thông qua các công ty niêm yết khi mà triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn cao đối với dòng vốn ngoại.

Với nhà đầu tư lúc này, kế hoạch kinh doanh có lẽ chỉ là con số để tham khảo hơn là để kỳ vọng, làm căn cứ đầu tư cổ phiếu như các năm trước, bởi tất cả đều có thể thay đổi theo các biến số khó lường.

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/tang-trong-nghi-ngo-nghi-ngo-tang-tiep-322589.html